Trao đổi với Zing.vn về màu vàng được quét mới lên di tích Bia Quốc học Huế, ông Nguyễn Văn Cẩn, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế — chủ đầu tư việc tu bổ công trình khẳng định sau một thời gian màu vàng sẽ chìm xuống thành màu đất.
Còn Ông Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Miền Trung, đơn vị tư vấn thiết kế công trình bia Quốc học, lý giải "Sau khi nghiên cứu cẩn thận kiến trúc gốc của công trình thì phát hiện nét gốc tổng thể của công trình Bia Quốc học có màu vàng. Đơn vị chỉ tái tạo tu bổ đúng nguyên gốc, giữ lại tất cả những họa tiết trang trí của công trình".
Tuy nhiên ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng cách làm như vậy không phải là trùng tu di tích mà như sửa nhà.
Về việc trùng tu di tích như thế nào để đảm bảo không phá vỡ nguyên bản công trình, ông Xuân cho rằng việc trùng tu di tích là một quá trình, quyết định trùng tu di tích vào thời kỳ nào là đẹp nhất; ngoài ra, cần phải xem vật liệu của nó là gì thì cần phải làm theo như cũ trong khả năng có thể để đảm bảo nguyên trạng.
"Người thợ làm cần phải có chuyên môn trùng tu di tích và màu sơn của công trình khi trùng tu cần không mất cái cũ khi chưa trùng tu", ông Xuân nói.
Đánh giá về việc trùng tu di tích Bia Quốc học, nhà nghiên cứu ngán ngẩm:
"Một di tích bị đổ nát, người ta còn quý hơn anh làm một tòa lâu đài. Màu sắc phải chọn lựa gần như nguyên bản, bây giờ thì không khó để chế màu sắc nguyên bản chứ không phải màu vàng chạch như vậy được. Nhưng họ đã làm quá vội vàng, như cách họ sửa một cái nhà cũ thành nhà mới".
Theo ông Xuân, công trình trùng tu Bia Quốc học chịu nhiều ý kiến trái chiều của dư luận là do lỗi của chủ đầu tư không tìm hiểu nguyên tắc trùng tu di tích, cơ quan chuyên môn cũng thiếu cảnh báo.
Để đảm bảo việc trùng tu không làm mất giá trị kiến trúc, lịch sử nguyên bản của công trình, ông Xuân cho rằng không còn cách nào khác cần phải sửa đổi, trùng tu lại dựa trên những tư liệu cũ cho đúng theo nguyên bản.