Dự án JNAAM (Joint New Air-to-Air Missile) được khởi động tháng 10 năm 2014, dựa trên thiết kế tên lửa Meteor của Anh-Đức-Pháp. Meteor có phạm vi hoạt động hiệu quả nhưng yếu về hệ thống dẫn đường. Người Nhật đã đề xuất khai thác tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động Mitsubishi AAM-4. Theo Sankei, sự kết hợp này hứa hẹn tạo ra một tên lửa đạt chất lượng cao.
Nhà khoa học chính trị Dmitry Verkhoturov đã cố gắng tìm hiểu điều này.
"Từ năm 2010, Nhật Bản sản xuất tên lửa tầm xa AAM-4B trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động và có phạm vi hoạt động 120 km. Tên lửa không-đối-không tiên tiến nhất hiện nay là PL-12 của Trung Quốc thua AAM-4B về tầm bay xa. Với lợi thế này Nhật Bản có thể không phải lo lắng.
Meteor của châu Âu cũng sở hữu hệ thống dẫn đường radar chủ động và phạm vi hoạt động đến 100 km. Quá trình thiết kế Meteor bị kéo dài: ý tưởng xuất hiện vào năm 1994 nhưng công việc chỉ bắt đầu năm 2002. Tháng 7 năm 2016, tên lửa Meteor đã gia nhập biên chế Không quân… Thụy Điển! Pháp hy vọng sẽ nhận tên lửa mới vào năm 2018."
Theo chuyên gia quân sự Nga, ông Konstantin Sivkov, rất có thể Nhật Bản và Anh muốn thoát khỏi sự quá phụ thuộc và thậm chí vượt lên trước Mỹ về công nghệ vũ khí:
"Quân đội Nhật Bản được trang bị tốt, nhưng họ hầu như chỉ dựa trên các công nghệ của Mỹ. Hệ thống chiến đấu trên hạm Aegis, vũ khí tên lửa, cũng như toàn bộ các máy bay chiến đấu đều là của Mỹ, ngoại trừ vài trường hợp. Tương tự như vậy, vũ khí khí tài của Anh cũng dựa trên công nghệ Mỹ. Các công nghệ tự chế của họ đã "cạn" từ cuối những năm 1970."
Ngoài ra, theo ông Konstantin Sivkov, kgông thể không kể đến tên lửa không-đối-không cực mạnh của Nga (thực tế là sản phẩm từ thời Liên Xô). R-37 (hay K-37) có tầm bắn 300 km mà hiện trên thế giới chưa nước nào vượt được.
Học giả Dmitry Verkhoturov tiếp tục chủ đề:
"Hiện nay, Nga đang thử nghiệm bay cho KS-172, tên lửa với tầm bắn đến 400 km. Nhiệm vụ của KS-172 là tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược và máy bay trang bị hệ thống chỉ huy cảnh báo AWACS. Do đó, dự án chung của Nhật và Anh đã lạc hậu so với các tên lửa mà Quân đội Nga đang được trang bị.
Vậy dự án hợp tác chế tạo tên lửa của Tokyo và London có mục đích gì? Mỗi quốc gia sở hữu lực lượng không quân đều tìm cách đảm bảo cho mình ưu thế kỹ thuật mà trong điều kiện chiến đấu sẽ chuyển thành sự thống trị trên bầu trời. Nhưng có vẻ khó hiểu khi người ta khoe sản phẩm với trình độ kỹ thuật mà nước khác đã đạt được và đưa vào dây chuyền sản xuất. Câu hỏi đặt ra là các tên lửa của Anh và Nhật Bản liệu thực sự có đạt được chất lượng tốt như họ nói?"
Nếu thành công, Nhật Bản và Anh dự định sẽ sử dụng tên lửa mới trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lighning II do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất chung vẫn chưa được thống nhất. Và chắc sẽ xuất hiện câu hỏi về giá thành của thiết kế mới.