Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với các công ty Trung Quốc, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự nhằm gây áp lực với Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên.
Giáo sư Go Myong-hyun tại viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) cho rằng, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ vẫn tập trung vào khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết và tăng cường sức mạnh quân sự. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump cũng sẽ “kế thừa” những chính sách đối phó với Triều Tiên mà chính phủ tiền nhiệm đã xây dựng.
“Mỹ vẫn sẽ tập trung phát triển khả năng phòng thủ tên lửa và áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với các nước có quan hệ với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Mỹ sẽ gia tăng sức ép với Trung Quốc để ngăn chặn tham vọng và hành động khiêu khích của Triều Tiên”, ông Go chỉ rõ.
Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn với các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển hạt nhân và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng đang khiến Bắc Kinh "bực bội". Những động thái gần đây của Mỹ, đặc biệt việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) tại Seoul đang tạo áp lực rất lớn tới an ninh Trung Quốc.
Theo chuyên gia chính trị Hàn Quốc, hành động tăng cường sức mạnh quân sự và hạt nhân của Mỹ chắc chắn sẽ kích động năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc.
“Trong tương lai, chính sách đối phó của Mỹ với Triều Tiên sẽ do bộ Quốc phòng đảm nhận thay vì bộ Ngoại giao như hiện nay. Nói cách khác, Mỹ sẽ tăng sức ép quân sự với Trung Quốc chứ không phải sức ép ngoại giao để buộc Bắc Kinh thi hành những biện pháp cứng rắn với Bình Nhưỡng”, ông Go dự báo.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, Hàn Quốc nên tiếp tục tăng sức ép với Trung Quốc bằng cách thắt chặt quan hệ đồng minh quốc phòng với Mỹ. Ngoài ra, Seoul cũng cần tiến hành các cuộc thảo luận với Bắc Kinh để bàn về lợi ích hay thiệt hại khi bán đảo Triều Tiên rơi vào xung đột".
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc hội đàm ngày 16/3 tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là "không thể chấp nhận được", theo hãng tin Kyodo.
Ngoại trưởng Tillerson cho rằng sự hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là điều quan trọng trong việc đối phó những hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Ông Tillerson thừa nhận, 20 năm nỗ lực ngoại giao, bao gồm viện trợ của Mỹ cho Triều Tiên, không mang lại kết quả để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, nên chính quyền Mỹ sẽ tìm cách tiếp cận mới.
"Trước mối đe doạ ngày càng leo thang, chúng ta cần một cách tiếp cận mới về vấn đề này", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Nguồn: nguoiduatin