Tuy nhiên họ phải trải qua 1 tháng dùng thuốc dự phòng, 3 tháng sau xét nghiệm lại mới có thể đưa ra khẳng định có nhiễm HIV hay không.
Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông nhiễm HIV và đã được điều trị thuốc ARV nhiều năm.
"Về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ vi rút HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Mặt khác 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay. Do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV", ông Cảnh nói.
Tuy nhiên ông Cảnh cũng lưu ý, dù nguy cơ nhiễm HIV có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV.
Vì vậy, khi chưa có kết quả khẳng định cuối cùng có nhiễm HIV hay không, họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.
Trước phản ánh của một người dân tham gia cấp cứu bị phơi nhiễm HIV là nếu họ muốn dùng thuốc ARV để dự phòng, phải trả tiền, ông Cảnh cho biết, theo quy định thuốc ARV dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện… bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ.
"Tuy nhiên, trường hợp này là trường hợp đặc biệt, có 7 người dân tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn đã bị phơi nhiễm HIV, do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cán bộ y tế và cả 07 người dân tham gia cấp cứu và có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân này", ông Cảnh nói.
Trả lời câu hỏi có xảy ra tình trạng chậm trễ cho các bác sĩ, người dân có nguy cơ phơi nhiễm HIV được uống thuốc ARV? Ông Cảnh cho biết, cả 24 người có nguy cơ phơi nhiễm HIV khi cấp cứu nạn nhân nhiễm HIV trong vụ tai nạn trưa 30/6 đã được uống thuốc ARV. Đợt uống sớm nhất là trưa 1/7, muộn nhất là trưa 2/7.
"Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV nên thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Như vậy cả 24 bệnh nhân này đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo", ông Cảnh cho biết.
Những người có nguy cơ phơi nhiễm sẽ được điều trị dự phòng liên tục trong thời gian 28 ngày. Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.
Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng để khẳng định người phơi nhiễm có bị HIV hay không.
Ông Cảnh cho biết thêm, hiện nay các thuốc ARV được lựa chọn điều trị là khá an toàn với người sử dụng và cũng rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy một số người mới uống có thể có cảm giác mệt mỏi, triệu chứng này sẽ nhanh qua. Vì thế, những người dùng thuốc mà khỏe mạnh, họ có thể đi làm bình thường nếu muốn. Những trường hợp có phản ứng phụ của thuốc như dị ứng, mệt mỏi nhiều cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có thể đổi phác đồ điều trị.
Những người bị bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng.
Nguồn: Dân Trí