Theo Viện Khoa học Trung Quốc, số thiết bị lặn tự hành này sẽ hoạt động thử nghiệm trong vòng 1 tháng, thu thập dữ liệu về nhiệt độ, lượng oxi, độ mặn và dòng chảy.
Tân Hoa xã lưu ý AUV mới có thể hoạt động với thời gian dài và dùng ít nhiên liệu hơn phiên bản trước, đồng thời có thể truyền dữ liệu trực tiếp, một công nghệ mà thậm chí Mỹ chưa đạt được.
Nếu cuộc thử nghiệm thành công thì đây là một bước tiến lớn vì AUV khó có thể truyền dữ liệu trực tiếp dưới nước, chuyên gia Ân Tinh Vệ thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nói với tờ South China Morning Post.
"AUV của Mỹ có một nhược điểm là chỉ có thể truyền dữ liệu cho tàu mẹ hoặc vệ tinh khi trồi lên mặt nước. Điều này làm gián đoạn và hạn chế khả năng truyền dữ liệu liên tục, ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự, chẳng hạn theo dõi tàu ngầm. Trong khi đó, công nghệ mới của Trung Quốc có thể khắc phục nhược điểm này", ông Ân lưu ý.
Giới chuyên gia nhận định AUV dù phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học nhưng có thể theo dõi, truyền dữ liệu trực tiếp về vị trí tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc đưa ra thông tin trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn kế hoạch cho phép Hải quân Mỹ tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải thách thức tuyên bố chủ quyển phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nguồn: Thanh Niên