Hội thảo điểm lại một số nét khái quát về tình hình Biển Đông Việt Nam thời gian qua, đưa ra những giải pháp nhằm kiểm soát tranh chấp, duy trì tự do hàng hải, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Học giả Terashima Hiroshi, nguyên Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách đại dương (SPF) chỉ ra những vấn đề liên quan việc tái phân chia các vùng đại dương thông qua các tuyên bố và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Học giả Gregory Moore — Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Nottingham (Anh và Mỹ) phân tích Trung Quốc mặc dù luôn tuyên truyền về "sự trỗi dậy hòa bình" nhưng đã lựa chọn chính sách Biển Đông theo hướng tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh sự mở rộng ảnh hưởng bất chấp những quan ngại của các nước xung quanh.
Ông cho rằng Trung Quốc cần cân bằng hài hòa chính sách Biển Đông để không làm ảnh hưởng tới vị thế đất nước cũng như gia tăng nghi kỵ từ các nước khác.
Giáo sư Koichi Sato, Đại học Oberli trình bày tham luận "Hợp tác Nhật Bản — ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông" khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Biển Đông đối với kinh tế thế giới và khu vực. Trong đó, 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản đi qua Biển Đông, các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.
Giống như Nhật Bản, Ấn Độ không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song khu vực biển này hết sức quan trọng đối với kinh tế, an ninh của Ấn Độ, cũng như khu vực và thế giới. Do đó, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông phải đi từ quan điểm đa phương. Quan điểm trên của giáo sư Jagannath Panda, Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ được sự đồng tình của các học giả tham gia hội thảo. Giáo sư Panda cũng đề xuất giải pháp về một hiệp định hàng hải giữa các nước trong khu vực, nhấn mạnh tự do hàng hải, yếu tố đang làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia, đồng thời đưa ra nhưng cơ chế hợp tác cân bằng về an ninh.
Hội thảo "An ninh hàng hải toàn cầu: Biển Đông quan điểm từ các bên không tuyên bố chủ quyền" diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đã gần đạt được khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các bên không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có lợi liên quan ở khu vực này. Các học giả đều nhận định duy trì tự do hàng hải, tạo ra các cơ chế phối hợp, kiểm soát xung đột, dựa trên tính thượng tôn của pháp luật, sự tin tưởng lẫn nhau của các bên liên quan là biện pháp quan trọng giải quyết vấn đề Biển Đông.
Nguồn: VOV