Trong hơn 1.400 ngày, lực lượng khủng bố IS cố gắng bao vây, đánh chiếm Deir Ezzor. Tuy nhiên, với sự yểm trợ của không quân Nga, chiến dịch tiến công thắng lợi mới đây của quân đội Syria, đột phá vòng vây tại chảo lửa Deir ez-Zor đã giúp Damascus ghi điểm về chiến lược, chính trị và cả về tính hợp pháp của chính quyền.
Cuộc tiến công này cũng giúp Damascus giành lại quyền kiểm soát khu vực tỉnh Deir ez-Zor, nơi gần một triệu người Hồi giáo Sunni sinh sống và tập trung nhiều mỏ dầu khí nhất Syria. Điều này sẽ giúp Syria thoát khỏi tình trạng thiếu nhiên liệu mà nước này phải chịu đựng suốt ba năm qua.
Sau khi bảo vệ được vùng Deir ez-Zor, quân đội Syria sẽ tiếp tục tiến về phía biên giới Iraq để chiếm lại đường biên giới Abu Kamal. Điều này sẽ cho phép Damascus có toàn quyền kiểm soát tuyến biên giới dài 250 dặm với Iraq, ngăn chặn lực lượng khủng bố tiếp tế và củng cố những thành lũy còn lại ở Syria.
Thắng lợi mới nhất nói trên là bước cuối cùng hoàn thành một chuỗi các chiến dịch phản công thắng lợi do quân đội Syria thực hiện, bắt đầu ở Aleppo, sau đó là Hama, và tiến tới vùng ngoại ô Damascus. Theo tờ Al-Manar, IS đã mất phần lớn lãnh thổ chiếm được trước đây và bị đẩy lùi đến mức chỉ còn kiểm soát 15% lãnh thổ Syria.
Như vậy, với sự yểm trợ mạnh mẽ, hiệu quả của Nga, quân đội Syria đã hoàn toàn nắm thế chủ động trên chiến trường. Từ đó tạo ra những thay đổi lớn trong toàn bộ không gian địa chính trị tại Trung Đông.
Tạp chí Ash-Shourouk của Tunisia đã ghi nhận một cuộc khủng hoảng của các nhà tài trợ chính về chính trị và tài chính cho lực lượng vũ trang chống chính phủ, dẫn đến việc họ phải từ bỏ câu khẩu hiệu "Assad phải ra đi".
Mỹ, Pháp, Ả-rập Xê-út, Qatar và Đức đều đã thay đổi các ưu tiên, thời gian này các nước tập trung vào cuộc chiến chống lại một kẻ thù chung là các nhóm khủng bố quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên thay đổi quan điểm và chiến thuật tiếp cận. Vì người láng giềng Syria đã xoay xở thành công để tồn tại trước hàng loạt cuộc tấn công dữ dội của các thế lực bên ngoài. Trong nhiều năm tới, Damascus sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
Đồng thời, quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về hành động của người Kurd — kẻ thù không đội trời chung, khi họ tiếp tục theo đuổi ước mơ về việc thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền dưới sự hỗ trợ của Washington, đã buộc Ankara phải liên minh với chính phủ Syria. Lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nước này sẵn sàng tham gia trục Tehran-Damascus-Moscow.
Các chuyên gia tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định rút quân khỏi Syria ngay khi Damascus có thể đảm bảo sẽ không có lực lượng vũ trang nào, bao gồm cả người Kurd, lấp chỗ trống.
Theo một số nhà phân tích Ả Rập, dưới ảnh hưởng của tình hình chính trị hiện đang thay đổi, vị thế của các quốc gia vùng Vịnh cũng trở nên khác trước.
Nhìn chung, tất cả các nước vùng Vịnh đều bị ảnh hưởng bởi giá dầu xuống thấp và sự sụt giảm đột ngột về doanh thu từ dầu mỏ vốn là nguồn thu nhập chính của các nước này. Điều này buộc các nước phải cắt giảm chi phí, kể cả các khoản chi mạo hiểm cho quân sự và chính trị.
Bất đồng gần đây giữa Qatar và Ả-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập cũng làm các nước này xao nhãng khỏi các mục tiêu ở Syria.
Các cuộc tấn công truyền thông vào Syria bắt đầu từ khi xảy ra cuộc nội chiến năm 2011 đã được thúc đẩy bởi các nguồn tin đầy tính tuyên truyền thiên vị trong khu vực. Mãi cho đến tận gần đây, các nguồn tin này vẫn tiếp tục tuyên bố rằng "chế độ Syria đang trên bờ vực sụp đổ" và những ngày cuối cùng của chế độ Assad đang điểm.
Tuy nhiên, giờ đây sau chiến thắng lớn của Nga và Syria tại chiến trường Deir ez-Zor, những nguồn tin này đã phải im bặt. Thật khó để phản đối kết luận của phóng viên A.Maarbuni: "Hoạt động trải dài từ Địa Trung Hải đến sông Euphrates, mà quân đội Syria bắt đầu từ sau khi có sự hỗ trợ của không quân Nga vào hai năm trước, đang diễn ra theo đúng kế hoạch".
Nguồn: viettimes