Chuyến thăm kéo dài từ thứ Sáu đến 14/11 của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ bao gồm các điểm dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Vấn đề Triều Tiên được nhận định sẽ là một chủ đề quan trọng của ông Trump trong chuyến thăm châu Á lần này.
Lần gần đây nhất một vị Tổng thống Mỹ thăm châu Á lâu đến như vậy là vào cuối năm 1991, đầu năm 1992, khi Tổng thống George H. W. Bush bị ốm tại một buổi quốc yến của Nhật Bản.
Việc ông Trump vắng mặt lâu ở Washington diễn ra giữa lúc chính quyền chưa tròn 1 năm tuổi của ông đứng trước loạt thách thức, bao gồm cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016; vụ tấn công khủng bố bằng xe tải khiến 8 người thiệt mạng mới đây; cuộc tranh cãi xung quanh kế hoạch cải tổ thuế mà nếu được Quốc hội thông qua sẽ là thắng lợi lập pháp đầu tiên của ông Trump; những nỗ lực xóa bỏ và thay thế đạo luật y tế Obamacare liên tiếp thất bại…
"Đây là một chuyến thăm dài, trong lúc chương trình nghị sự của ông ấy [Trump] ở Quốc hội còn ngổn ngang", một cố vấn bên ngoài của ông Trump đề nghị không tiết lộ danh tính phát biểu.
Vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ, ông Trump sẽ xuất phát từ Hawaii, nơi ông có cuộc gặp chóng vánh với lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương và thăm Trân Châu Cảng.
Tiếp đó, ông Trump sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, với mục tiêu tạo lập một mặt trận thống nhất chống lại nguy cơ từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trạm dừng chân tiếp theo của ông Trump sẽ là Bắc Kinh, nơi ông dự định sẽ đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng.
Sau khi tham dự thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, ông Trump sẽ có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội. Chuyến công du châu Á của ông Trump sẽ khép lại khi ông tới Manila, Philippines để dự thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo: Thời Báo Kinh Tế VN