Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh — Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Theo quy định tại điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm được quy định như sau:
"Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm".
"Không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: b) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;… g)Bị can, bị cáo là người tổ chức trong trường hợp phạm tội có tổ chức.
Ngoài ra, thông tư còn quy định cụ thể về các vấn đề liên quan như đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm; trả lại tiền đã đặt để bảo đảm.
Đối với trường hợp của ông Đinh La Thăng bị Viện kiểm sát truy tố tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù, là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hơn nữa trong vụ án này là phạm tội có tổ chức, ông Đinh La Thăng bị truy tố với vai trò là người tổ chức, chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm khác phạm tội. Như vậy, căn cứ theo quy định trên, ông Đinh La Thăng không đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp ngăn chặn là đóng tiền bảo đảm để thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Nguồn: Lao Động