Trung Quốc xem lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên là cần thiết nhưng các biện pháp trừng phạt sẽ không chấm dứt tình trạng căng thẳng hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc cho biết trong Hội nghị An ninh Munich (MSC), hãng CGTN đưa tin.
Trả lời câu hỏi về vai trò của Trung Quốc và Mỹ đối với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bà Phó nói, Trung Quốc và Mỹ đồng ý về nhiều mặt.
"Chúng tôi tin rằng không nên có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi hy vọng nhìn thấy một bán đảo Triều Tiên hòa bình… Các biện pháp trừng phạt là cần thiết nhưng chỉ riêng chúng sẽ không giải quyết được vấn đề. Cần thiết phải có các vòng đàm phán hòa bình", bà Phó Oánh nói tại hội nghị.
Trong khi đó, cũng tại hội nghị này, Thượng nghị sỹ James Risch, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuyên bố, Trung Quốc có vai trò chủ chốt trong việc giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên, khi mà nước này là cường quốc duy nhất trên thế giới mà Bình Nhưỡng chịu lắng nghe.
Theo ông Risch, Bắc Kinh có "sự ảnh hưởng thực sự" trong cuộc khủng hoảng này nhờ vào mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Diễn biến liên quan đến vấn đề Triều Tiên, hãng tin Yonhap cho hay, bà Phó Oánh cũng đã gặp bà Choo Mi-ae, Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc bên lề MSC. Bà Choo đã kêu gọi Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết căng thẳng hạt nhân của Triều Tiên.
"Trung Quốc đã đóng vai trò hòa giải trong một thời gian dài và chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh thuyết phục", bà Choo nói trong cuộc gặp.
Cũng theo Yonhap, bà Choo Mi-ae đưa ra phát biểu trên tại MSC ngày 17/2 (theo giờ Đức) trong bối cảnh hy vọng tăng cao về việc Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang có thể cải thiện mối quan hệ căng thẳng lâu nay.
Bà Choo nói rằng: "Tiền đề (để cải thiện quan hệ liên Triều) bao gồm việc Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích cũng như tỏ ý muốn phi hạt nhân hóa".
Đại diện Hàn Quốc tại hội nghị MSC cũng nhấn mạnh cần phải giải quyết vấn đề Triều Tiên với một cách tiếp cận "dài hạn" và hy vọng rằng, đối thoại liên Triều được nối lại thông qua sự kiện thể thao sẽ bước sang các giai đoạn kế tiếp, như thảo luận về hợp tác kinh tế (giữa hai miền Triều Tiên).
Nguồn: baogaiothong