Quan chức có dám thề?

© Sputnik / Alexandr Vilf / Chuyển đến kho ảnhQuốc kỳ Việt Nam
Quốc kỳ Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việc các cán bộ lãnh đạo địa phương và cả cán bộ cấp cao hơn khi về dự Lễ hội nghiêm trang giơ tay thề làm người tử tế, nhất là thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chỉ đem lại điều tốt, lợi ích chung.

Có thể nói cho đến nay Lễ hội Minh thề, hay còn gọi là Miêng thệ, là một trong những lễ hội dân gian độc đáo và rất có ý nghĩa trong hơn 8.000 lễ hội ở Việt Nam diễn ra trong năm. Độc đáo vì đây là lễ hội duy nhất mà các quan chức dự lễ phải thề. Nó ý nghĩa bởi vì gắn với công cuộc chống "giặc nội xâm" đang diễn ra rất sôi nổi, quyết liệt trong suốt mấy năm qua, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Vào thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng "Mỹ tục khả phong" cho Lễ hội Minh thề. Năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, trên cơ sở hương ước cổ của làng, người làng Hòa Liễu đã soạn thảo bản hương ước mới gồm 5 chương 20 điều. Năm 2017, Lễ hội Minh thề được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia và tại lễ hội năm nay, TP Hải Phòng sẽ tổ chức đón nhận danh hiệu này.

Từ 15 năm qua, Lễ hội Minh thề được khôi phục, mang "hơi thở" hiện đại. Tuy nhiên, bởi lý do, đây là lễ hội của làng, nên chỉ có Trưởng Ban tổ chức, thường là cán bộ thôn và một số cán bộ thôn, các vị bô lão và một số nhân dân thề "không tham nhũng". Các cán bộ lãnh đạo từ cấp xã, cấp huyện hay cấp thành phố trở lên dù có tham dự cũng không phải thề. Xin mở ngoặc rằng, cán bộ thôn chưa phải là cán bộ trong các chức danh cán bộ, công chức 4 cấp ở nước ta hiện nay.

© Ảnh : vnnTranh minh họa của họa sĩ Lê Phương
Tranh minh họa của họa sĩ Lê Phương  - Sputnik Việt Nam
Tranh minh họa của họa sĩ Lê Phương

Nhưng, đông đảo người dân, không chỉ ở Hải Phòng mà từ các miền đất nước về dự Lễ hội vẫn mong muốn cán bộ lãnh đạo các cấp về dự lễ hội cũng nên đứng lên thề trước thần linh. Song mong muốn này vẫn chưa được các cấp lãnh đạo của địa phương chấp thuận.

Gần đây, khi trả lời báo chí, một cán bộ lãnh đạo của UBND huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho rằng, Hội Minh Thề là lễ hội của làng, cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo Bác Hồ chứ không phải đi thề trước thần linh. "Không ai đi làm việc đó, cán bộ, đảng viên phải thực hiện theo quy định của pháp luật"; rằng "Cán bộ nào đi thề, ai đi thề với thần linh, vi phạm pháp luật à?".

Còn khi được hỏi "Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương có nên nhân rộng lễ hội Minh Thề đến các cán bộ xã, huyện, thậm chí là thành phố cùng tham gia thề trước thần linh?", một lãnh đạo của UBND TP Hải Phòng cho biết: trong ngày tổ chức lễ hội Minh Thề, lãnh đạo thành phố sẽ về dự và cùng với lãnh đạo huyện Kiến Thụy bàn cụ thể cách thức tổ chức những năm sau; rằng "Trong thời điểm này, đất nước ta đang tích cực phòng chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó, qua Lễ hội này sẽ phát động phong trào phòng chống tham nhũng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bất kể cán bộ, đảng viên nào cũng đều phải thực hiện"[1].

Như vậy, có thể nói, đối với việc cán bộ có thề hay không thề trong Lễ hội Minh thề đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Đông đảo nhân dân thì muốn, còn không ít cán bộ lãnh đạo địa phương lại không muốn có quy định cán bộ phải thề trong Lễ hội.

Người viết bài này trộm nghĩ, thề, hay ngày nay được gọi là tuyên thệ, là một hành vi rất quan trọng, thiêng liêng trước anh linh Tổ quốc, trước tổ tiên và các bậc tiền nhân… Dù có được gọi theo chữ Hán là "tuyên thệ" nhưng thực chất là "thề". Sau khi đọc các nội dung tuyên thệ thì mọi người đều phải giơ tay hô "Xin thề" chứ không ai nói "Xin tuyên thệ" cả! 

Ngay như lời tuyên thệ của các chiến sĩ QĐND Việt Nam cũng có xuất phát từ "Mười lời thề danh dự của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân" đọc trong lễ thành lập ngày 22/12/1944. Nội dung "Mười lời thề" được đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Đội trưởng đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, soạn thảo. Nội dung cơ bản của 10 lời tuyên thệ được giữ nguyên từ thời đó đến giờ.

Trừ những người thất tín, để lời thề thành "cá trê chui ống" còn tất cả cán bộ, đảng viên nếu giữ được lời thề khi đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, trước bàn thờ tổ tiên, trước anh linh các bậc tiền nhân thì họ sẽ suốt đời suy nghĩ và hành động có lợi cho nước, cho dân. Do vậy, Lễ hội Minh thề có thể coi là "đặc sản" tinh thần, độc nhất vô nhị của TP Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam chúng ta nói chung. Việc các cán bộ lãnh đạo địa phương và cả cán bộ cấp cao hơn khi về dự Lễ hội nghiêng mình, cúi đầu trước anh linh tổ tiên, giơ tay thề làm người tử tế, nhất là thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" chỉ đem lại điều tốt, lợi ích chung.

Làm được như thế cán bộ chẳng những không mất gì mà sẽ có thêm động lực, một cam kết thiêng liêng để giữ mình không sa vào tội lỗi và chiếm được lòng tin của người dân. Điều này chỉ có lợi mà thôi, mà theo Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân thì cương quyết làm".

Hội thề mà không có người thề thì không còn là hội, thề mà chỉ có cán bộ thôn thôi thì cũng mất đi ý nghĩa thực tiễn. Cán bộ thề trong Lễ hội Minh thề sẽ góp phần làm cho Lễ hội này thêm phần linh thiêng, độc đáo, thực chất như ông cha ta từng có "Hội thề Thăng Long" mang tầm cỡ quốc gia ngày xưa.

Nguồn: vietnamnet

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала