Y án sơ thẩm
Với việc lần thứ hai bị bác kháng cáo trong cả hai vụ án, ông Đinh La Thăng phải nhận hình phạt tổng cộng 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng, điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Một tháng trước, trong phiên tòa phúc thẩm vụ án cố ý làm trái khi triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng bị y án 13 năm tù.
Do Bộ luật Hình sự quy định hình phạt cao nhất khi tổng hợp bản án không quá 30 năm tù nên ông Thăng phải chỉ phải thi hành mức án tối đa này.
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên mức phạt tù như phán quyết của tòa sơ thẩm với 5 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Vũ Khánh Trường (cựu thành viên HĐTV PVN) tiếp tục nhận án 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên HĐTV PVN: 22 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thanh Liêm (cựu thành viên HĐTV PVN): 20 tháng cải tạo không giam giữ.
Riêng bị cáo Phan Đình Đức (cựu thành viên HĐTV PVN) được HĐXX đổi tội danh sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với hình phạt cảnh cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông này bị phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ do cố ý làm trái.
PVN mất 800 tỉ đồng
Trong phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) bất ngờ đề nghị HĐXX cho xin rút toàn bộ kháng cáo về cả hình sự và dân sự với tư cách bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo Sơn giữ nguyên kháng cáo với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo bản án sơ thẩm, do không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt nên PVN chuyển sang đầu tư mua cổ phần của Oceanbank. Thực hiện chủ trương của bị cáo Đinh La Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã 3 lần góp vốn 800 tỉ đồng vào Oceanbank.
Tuy nhiên, do năng lực yếu kém, Oceanbank hoạt động không hiệu quả, âm vốn sở hữu. 800 tỉ đồng của PVN mất hoàn toàn khi ngân hàng Đại Dương được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Ông Thăng từ chối trả lời nhiều câu hỏi
Trong quá trình diễn ra phiên tòa, khi trả lời thẩm vấn, đôi lúc ông Thăng tỏ thái độ bức xúc. Ông liên tục nói không nhớ, xin không trả lời. Có lúc ông Thăng tranh luận gay gắt với chủ tọa Nguyễn Vinh Quang tới 10 phút.
Khi chủ tọa phiên tòa muốn ông Thăng trả lời trực tiếp "có hay không" ở nhiều vấn đề, ông đáp lại gay gắt "việc HĐXX hỏi có hay không tôi rất khó trả lời".
"Tôi đề nghị để trả lời 'có hay không, rồi hay chưa' thì phải nằm trong tổng thể, không thể cắt lát ra để nói. Nếu việc có hay không có này không đúng bản chất sự việc, không đúng bối cảnh lịch sử lúc đó sẽ trở thành căn cứ để buộc tội tôi. Tôi không thể trả lời có hay không có, mà không giải thích".
Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang cho rằng việc hỏi này chỉ là thẩm tra chứng cứ. Quyền hỏi thuộc về HĐXX, bị cáo có quyền trả lời hoặc không. Ông Thăng lập tức nói:
"Tôi sẽ trả lời ở phần tranh luận". Sau đó, chủ tọa tiếp tục đặt nhiều câu hỏi có hay không và cho hay việc đánh giá là quyền của mỗi người.
"Bị cáo nên thực hiện quyền của mình về mặt tố tụng. HĐXX tôn trọng và không xâm phạm quyền này. Đến phần tranh luận, HĐXX sẽ tạo điều kiện đến lúc bị cáo không muốn nói nữa thì thôi", ông Nguyễn Vinh Quang nói.
VKS bác kháng cáo trong khi ông Thăng nói vô tội
Trong phần được nói lời sau cùng, là người mở đầu, ông Đinh La Thăng bình tĩnh trình bày, suốt quá trình công tác 30 năm tuổi Đảng đã luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, quyết liệt vì sự nghiệp phát triển đất nước, vì nhân dân. "Trong công việc tôi luôn hết sức quyết liệt không vì động cơ cá nhân nào", bị cáo nhấn mạnh.
"Tôi xin khẳng định lại lần nữa, tôi không có tội. Kính mong HĐXX xem xét giải quyết có tình, có lý, đúng pháp luật nhưng cũng thể hiện tính nhân văn nhân đạo của Đảng, nhà nước với tinh thần cải cách tư pháp", ông Thăng kết thúc lời nói sau cùng.
Không giống ông Thăng, năm bị cáo khác khi trình bày lời nói sau cùng đều tỏ lòng ân hận.
Theo: Lao Động