Bộ trưởng Mattis sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh hôm 16 và 17.10 trong chuyến thăm hai ngày, trước khi ông đến Singapore dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) 2018, tức hội nghị hàng năm lần thứ 12 của Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Ngày 14.10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cũng sẽ tham dự ADMM 2018, và chủ đề nóng vẫn là Biển Đông bị Trung Quốc quân sự hóa.
Bộ trưởng Mattis sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, và ông cũng sẽ thăm căn cứ không quân Biên Hòa vốn từng là một căn cứ lớn của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Mattis là cựu tướng thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng không tham chiến ở Việt Nam.
Gần đây, Bắc Kinh không cho phép tàu tấn công đổ bộ Wasp của hải quân Mỹ thăm đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc, triệu tư lệnh hải quân đang thăm Lầu Năm Góc về nước, đồng thời phản đối Mỹ phê duyệt bán vũ khí cho Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc xem là một tỉnh hải ngoại và dọa sẽ dùng vũ lực để tái chiếm nếu cần thiết.
Theo AP, những căng thẳng này làm tăng khả năng Mỹ tăng quan hệ đối tác với Việt Nam.
Ông Kurlantzick nói: "Ngoài Singapore, Việt Nam là quốc gia đang rất nghi ngại chính sách về Biển Đông của Trung Quốc, và là đối tác tự nhiên của Mỹ. Tôi ghi nhận Việt Nam rất nghiêng về vài chính sách của ông Trump".
Ý ông nói việc Mỹ đã có chiến lược "Ấn Độ Dương —Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Chiến lược này nhấn mạnh toàn thể các nước trong khu vực không thể bị o ép, và duy trì mở rộng các tuyến đường biển, nhất là Biển Đông, cho hoạt động thương mại quốc tế.
Theo AP, chuyến thăm nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng, Mỹ có ý tăng cường củng cố quan hệ đối tác trong khu vực, như một lực lượng đối trọng với thế lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ đã chỉ trích gay gắt Bắc Kinh triển khai tên lửa phòng không cùng các loại vũ khí khác trên các căn cứ mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Mattis nói việc Trung Quốc triểnb số vũ khí này nhằm "mục đích hù dọa và o ép".
Thành phố Hồ Chí Minh hiếm khi được đưa vào lịch trình đi thăm của các vị lãnh đạo Lầu Năm Góc. Ông William Cohen từng là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam hồi năm 2000, từ sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, và ông cũng đã đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Quan hệ ngoại giao Việt — Mỹ được khôi phục năm 1995, và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hồi năm 2016.