Điểm mạnh của Công Phượng
Chia sẻ với giới truyền thông ở trước buổi tập 2 ngày trước đây, Công Phượng đã cho biết "Tôi nghĩ rằng mình có khả năng đi bóng và tốc độ hàng đầu trên hàng công lúc này.
Tuy nhiên, ở đội tuyển hiện tại, các tiền đạo khác đều rất mạnh với những 'vũ khí' riêng của mình. Cuộc tranh chấp vị trí đá chính đương nhiên là khó khăn".
Nhận định của Công Phượng về bản thân cũng như tình hình cạnh tranh những vị trí đá chính, thậm chí lọt vào bản danh sách cuối cùng tham dự AFF Cup rõ ràng là thực tế, cũng như có phần… khiêm tốn.
Bởi nếu xét về nhiều khả năng Công Phượng đang được coi như khá toàn diện so với các tiền đạo còn lại từ số bàn thắng ghi được ở V-League, ở các đội tuyển trong thời gian qua cho tới cả khả năng biết tạo ra… siêu phẩm để làm mãn nhãn người xem.
Và đương nhiên, khả năng kỹ thuật của Công Phượng cũng không phải bàn cãi, bởi chẳng phải vô cớ mà người hâm mộ đã đặt cho tiền đạo của HAGL biệt danh chẳng phải "nhẹ gánh" — Messi Việt Nam.
Và điểm yếu của Phượng…
Điểm yếu của Công Phượng là gì? Rõ ràng nhìn trên sân rất khó có thể nhận ra, nhưng không có nghĩa trong mắt của giới chuyên môn điều này là.. khó nói như cách Công Phượng chia sẻ "tôi không biết chỉ ra điểm gì, nhưng tôi có khá nhiều điểm yếu".
Nghe có phần phi lý, nhưng thực tế chân sút xếp thứ 3 trong danh sách những nội binh (sau Tiến Linh, Hoàng Vũ Samson) lập công ở V-League mùa rồi thì đã có tới 5/12 pha ghi bàn từ chấm 11m vốn khá ngon ăn.
Và nếu như chơi như một tiền đạo lùi, số bàn thắng ghi được ở mùa giải 2018 là không tồi, nhưng với vai trò người đá cao nhất ở HAGL nơi nhận rất nhiều bóng từ những sự hỗ trợ phía sau thì rõ ràng 7 bàn thắng thực thụ là không nhiều so với Tiến Linh hay Đức Chinh — những đồng đội ngang tuổi thường ngồi dự bị ở CLB.
Điều mà chân sút của HAGL tự hào là khả năng đi bóng, tốc độ… đôi khi cũng là điểm yếu của Công Phượng, bởi thực tế nhiều trận đấu ở CLB đến đội tuyển tiền đạo người xứ Nghệ thường làm lỡ nhịp đồng đội bằng những tình huống quá ham rê bóng, hay lạm dụng tốc độ của mình.
Nói điều này chẳng phải vô cớ, khi ở Asiad vừa qua sau trận thắng Nepal chính Công Phượng đã bị trợ lý Lee Young-jin gọi ngay ra góc riêng để chỉnh sửa với những lời lẽ khá gay gắt vì chuyện ham bóng, và có phần hơi… tham của mình.
Không chỉ có thế, tâm lý thi đấu của Công Phượng cũng không quá tốt và thường bị ngoại cảnh tác động. Điều này rõ ràng chân sút con cưng của HLV Park Hang Seo cần phải học nhiều hơn nữa từ những đàn anh đi trước thì mới thực sự ổn.
Công Phượng đang thực sự trưởng thành bằng những phát biểu, và cả hành động điềm đạm hơn qua từng năm. Đồng thời vài năm qua chân sút này cũng là đáng xem nhất nhì V-League, hay ở đội tuyển… mọi cấp độ.
Nhưng, để trở thành số 1 tại V-League, hay trong màu áo tuyển Việt Nam như một nhân tố không thể thay thế, thì xem ra vẫn cần phải học nhiều.