Một “chân kiềng” đã bị lung lay
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Lê Khánh Hải từng phát biểu: “Bộ mặt của một nền bóng đá dựa trên thế chân kiềng, gồm đội tuyển quốc gia, hệ thống thi đấu giải quốc nội và đào tạo trẻ”.
Ông cũng phải thừa nhận mặc dù bóng đá trẻ VN đạt được một số kết quả khả quan nhưng chưa mang tính bền vững, trồi sụt bất thường.
Lứa U.19 VN năm 2016 lọt vào bán kết U.19 châu Á, đoạt vé dự World Cup U.20 năm 2017. U.23 VN đoạt á quân VCK U.23 châu Á 2018. Olympic VN lọt vào bán kết ASIAD 18. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 lứa U.19 VN phiên bản 2014 và 2016.
Nhưng chỉ ngay sau đó, lập tức khoảng trống lộ ra khi một loạt đội tuyển trẻ đã chơi chật vật và thất bại ở các giải quốc tế. Chuỗi thành tích sa sút đó kéo dài đến tận năm nay khi U.15 VN thua Malaysia 1-3 ở bán kết rồi thua tiếp Indonesia và vuột mất tấm HCĐ giải Đông Nam Á. Rõ ràng, hai bộ mặt hoàn toàn tương phản cho thấy bóng đá VN đằng sau 2 lứa “thế hệ vàng” đã hiện rõ bản chất của công tác đào tạo trẻ vẫn còn thiếu độ rộng và chiều sâu để đem đến thành tích ổn định.
Đào tạo trẻ ở VN vẫn yếu
Lý giải về sự lên xuống thành tích nói trên, HLV Đoàn Minh Xương cho rằng, công tác đào tạo trẻ ở VN chưa có một hệ thống xuyên suốt, chưa có kế hoạch đầu tư bài bản, dài hạn mà mới chỉ mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào sự “hên, xui”.
Ông Xương ví von: “Đầu tư bóng đá trẻ ở nước ta như cách gọt một cây bút chì. Dùng đến đâu, vót nhọn đến đó cho đến khi chỉ còn một “mẩu” cùn là phải bỏ. VN có một số trung tâm đào tạo trẻ tốt nhưng mỗi nơi làm một cách. Sau lứa tài năng như Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường…, giờ chưa thấy một lứa nào giỏi được như thế nữa. Vậy thì làm sao duy trì được thành tích ở các sân chơi bóng đá trẻ tầm châu lục. Thành tích ở khu vực thậm chí còn đang đi xuống. Nếu VFF đã xác định được lối chơi mà HLV Park Hang-seo gây dựng thành công cho tuyển VN và U.23 là lối chơi của bóng đá VN, phù hợp với thể trạng con người VN thì tại sao VFF không xây dựng, định hình lối chơi ấy từ các tuyến trẻ thành bản sắc riêng. Còn đợi đến lúc nào nữa đây”.
“Điểm trắng” đào tạo trẻ
Trong khi VFF chưa có hoạch định mang tầm chiến lược về đào tạo trẻ vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh phí thì ngoài mấy lò tư nhân như HAGL, Viettel, PVF, Hà Nội, rất nhiều địa phương gần như hoàn toàn “mất trắng” khâu đào tạo trẻ hoặc bóng đá trẻ không được đầu tư đến nơi đến chốn.
TP.HCM đang ồn ào với Học viện Juventus và hợp tác với CLB Lyon nhưng hiệu quả thế nào sẽ cần phải chờ.
Giám đốc Trung tâm bóng đá An Giang Nhan Thiện Nhân chia sẻ: “Nếu muốn vực dậy bóng đá trẻ phải có một trung tâm chính quy với trang thiết bị, giáo án, chế độ dinh dưỡng, văn hóa... khang trang và một giáo án thống nhất, hoàn chỉnh chung cho hệ thống các tuyến trẻ. Muốn vậy không thể dựa vào “bầu sữa” nhà nước vốn mọi chế độ sẽ bị bó buộc theo quy định. Bóng đá An Giang và miền Tây muốn trở lại V-League cần sự chung tay của các doanh nghiệp. Nếu không, tất cả sẽ chỉ là giấc mơ xa vời”.