Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tranh thủ sự ủng hộ của Tập đoàn Nga “Rosneft” để khai thác các mỏ dầu khí trong vùng biển nơi Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Tạp chí Forbes đã bình luận là Philippines “được truyền cảm hứng từ điển hình Việt Nam” và việc liên kết nỗ lực với “Rosneft” cho thấy một sự thay đổi kế tiếp trong lập trường của Manila về vấn đề Biển Đông.
Không chỉ do “được truyền cảm hứng từ Việt Nam”
Tuy nhiên, đối với trường hợp Philippines còn có những lý do khác. Theo ý kiến một số chuyên gia quan hệ quốc tế, trước hết là vector quan hệ với Hoa Kỳ về chính trị-quân sự đã không còn có tác dụng gần như tuyệt đối trong việc bảo đảm độc lập, chủ quyền của Philippines. Đồng minh Hoa Kỳ của Philippines đang có quá nhiều sự quan tâm đến các vùng địa chiến lược quan trọng hơn đối với họ trên thế giới như Trung Đông, Đông Bắc Á và Nam Mỹ trong khi tiềm lực kinh tế-quân sự của Hoa Kỳ tuy còn rất lớn nhưng đã có phần suy giảm.
“Chính người Philippines cũng nhận thấy rằng trong tình thế “thiên hạ chia ba” hiện nay, tốt nhất hãy triển khai quan hệ với những cường quốc không có mâu thuẫn chiến lược sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ (bao gồm cả biển-đảo), nhưng cũng không phải là đồng minh có thể đặt mình vào thế bị phụ thuộc do chênh lệch cán cân sức mạnh. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không thỏa mãn hai điều kiện này. Chỉ có Liên Bang Nga có thể thỏa mãn được”, - Nhà phân tích các vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
“Khác với Trung Quốc, Nga không tuyên bố tham vọng chủ quyền với Biển Đông còn các tập đoàn Nga cố gắng khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia với tư cách nhà thầu. Việc ký kết hợp đồng dịch vụ với các công ty không vi phạm Hiến pháp Philippines, vì rằng trong giao kèo nêu rõ là chủ quyền của Philippines hoặc quyền chủ quyền của quốc gia này có hiệu lực tối thượng trong các khu vực mục tiêu. Các công ty sẽ chỉ đóng vai trò nhà cung cấp dịch vụ thông thường cho Chính phủ”, - nhà báo Pia Ranada viết.
Việc hợp tác với “Rosneft” cho thấy một sự thay đổi kế tiếp trong lập trường của Manila về vấn đề Biển Đông. Như chúng ta đã biết, từ năm 2016, ông Duterte đã thử nhiều cách khác nhau để xoay xở đối chọi với Trung Quốc. “Lúc thì “ly dị” với Washington và xích gần hơn với Bắc Kinh, rồi sau đó, ngược lại,“ly dị” với Bắc Kinh và quay trở về vòng ôm của Washington”, - Tạp chí Forbes bình luận.
Ngoài ra, hợp tác với Moskva về dầu khí giúp Philippines có thêm điều kiện để mặc cả với Bắc Kinh cũng như giúp cho Manila có thêm lựa chọn để khỏi rơi vào thế bí khi bị đối tác Trung Quốc gây sức ép, khi triển khai thỏa thuận MOU.
“Đồng thời, đó cũng là lời cảnh báo rằng Trung Quốc hãy tỏ ra thành thực hợp tác với Philippines thay vì chỉ mưu mô tạo nên sức ép nhằm thủ lợi trong hợp tác song phương. Đó cũng là lời cảnh báo của Philippines đối với Hoa Kỳ không giữ cam kết đồng minh chiến lược với Philippines”, - Một nhà báo Việt Nam bình luận.
Có thể nói, đây là sách lược khôn ngoan của Philippines nhằm đạt tới sự cân bằng các quan hệ với các nước lớn và là điều chưa từng có trong lịch sử của quốc gia này.
Hợp tác quân sự Liên bang Nga – Philippines: Philippines còn phải đi một chặng đường rất dài
Từ trước đến nay, chỉ dưới “triều đại” của tổng thống Rodrigo Duterte, quan hệ quân sự-quốc phòng giữa Liên bang Nga và Philippines mới được khai mở bằng những chuyến đi thăm hữu nghị của các tàu chiến thuộc Hạm đội thái Bình Dương của Nga tới Manila. Tuy nhiên, quan hệ này hiện nay mới chỉ là bước đầu. Philippines rất quan tâm đến các nhà sản xuất vũ khí của Nga. Lý do đơn giản là vì Philippines không muốn mình mình bị phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí của Hoa Kỳ. Đó là một giải pháp khôn ngoan. Tuy nhiên, để tiến tới một quan hệ quốc phòng-an ninh toàn diện với Liên bang Nga như Việt Nam đang có thì Philippines còn phải đi một chặng đường rất dài.
Có hai cản trở lớn đối với Philippines trong việc cài đặt quan hệ quốc phòng-an ninh với Liên bang Nga. Đó là sức ép từ cả phía Trung Quốc lẫn phía Hoa Kỳ bởi các thế lực thân Hoa Kỳ đang có ưu thế trong quân đội Philippines và các thế lực thân Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong giới doanh nhân Philippines.
Trong bối cảnh đó, thì việc liên kết nỗ lực với Tập đoàn “Rosneft” của Nga đúng là một sách lược đáng được đáng giá cao.
Liên bang Nga có quay lại Biển Đông?
“Về lâu dài, Liên bang Nga vẫn muốn trở lại Biển Đông, nhưng với vị thế và sách lược rất khác với thời Xô Viết. Do tiềm lực kinh tế-quân sự của Nga chỉ còn bằng 3/5 tiềm lực của Liên Xô trước đây nên Nga không thể chiếm ưu thế tuyệt đối ở Biển Dông như những năm 1975-1990. Để trở lại khu vực địa-chính rị, địa-kinh tế và địa-quân sự quan trọng này, Liên bang Nga sẽ chọn sách lược chia sẻ lợi ích”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu quan điểm của mình với Sputnik.
“Để có thể trở lại Biển Đông, theo tôi, Nga sẽ không chọn giải pháp trực tiếp kiềm chế Trung Quốc bằng lực lượng quân sự như Hoa Kỳ đang tiến hành. Nga cũng sẽ không chọn sách lược kìm hãm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Biển Đông bởi điều này vượt qua năng lực hiện tại của Nga. Nga sẽ chọ giải pháp chia sẻ lợi ích với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đồng thời, Nga cũng chọn sách lược chia sẻ lợi ích với các quốc gia có vị trí chiến lược ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines”, - Một nhà ngoại giao bình luận với Sputnik.
Như vậy, Nga vẫn có thể trở lại Biển Đông trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác và điều quan trọng hơn cả là tạo thế CÂN BẰNG CHIẾN LƯỢC ở Biển Đông. Đây cũng là giải pháp giúp “hạ nhiệt” những nguyên nhân phát sinh căng thẳng do những va chạm về chủ quyền biển-đảo trên Biển Đông gây ra.
Phản ứng có thể có của Trung Quốc
“Đương nhiên là với tư duy kiểu “một gã nông dân bảo kê gái làng”, Trung Quốc không bao giờ muốn cho bất cứ một nước ASEAN nào đặt quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc về vấn đề kinh tế, quân sự, chính trị Biển Đông ngoài Trung Quốc. Và Philippines cũng không phải là ngoại lệ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói.
Trung Quốc và Philippines vẫn đang có những va chạm về chủ quyền biển-đảo nên về khía cạnh quân sự, Trung quốc sẽ có thể gia tăng sức ép với Philippines tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines mà Trung Quốc đang có mưu đồ biến các vùng không tranh chấp đó thành các vùng tranh chấp.
Về kinh tế thì không giống như Việt Nam, quan hệ kinh tế về mặt nhà nước của Trung Quốc đối với Philippines khá lỏng lẻo nên Trung Quốc khó có thể gây sức ép lớn về kinh tế đối với Philippines như đối với Việt Nam. Nhưng một bộ phận không nhỏ các doanh nhân ở Philippines là người gốc Hoa, có thể ví như một “đạo quân thứ năm” trên thị trường cũng như trên chính trường Philippines. Họ có thể gây sức ép lên chính quyền Philippines bằng các công cụ kinh tế-tài chính. Tuy nhiên, như đã đề cập đến ở trên, ngoài lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc, lực lượng thân Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế trong quân đội Philippines. Và họ cũng sẽ có tác động không nhỏ đến chính trường Philippines, không để các doanh nhân người Hoa muốn làm gì thì làm.
Dù sao thì trong điều kiện thế giới có sự cân bằng chiến lược giữa ba cường quốc hàng đầu Mỹ-Nga-Trung, cho dù là cân bằng không bền, và cùng với sự cô lập về chính trị trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, Trung Quốc khó có thể có những phản ứng gây hấn và quá khích đe dọa sử dụng vũ lực như họ đã đối xử với Philippines những năm 1995-1996 và 2015-2016.