Báo Daily Mail viết rằng mỗi một người trung bình mỗi ngày bỏ đi một suất Big Mac. Được biết, kết luận này do các nhà nghiên cứu từ Đại học Wageningen ở Hà Lan đưa ra. Họ tỏ ra nghi ngờ số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc mà cho đến nay vẫn là cơ sở cho các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này.
Theo số liệu của LHQ, vào năm 2005 có khoảng một phần ba tổng lượng thực phẩm trên thế giới đã bị bỏ vào thùng rác. Đó là hơn 1 tỷ 300 triệu tấn thức ăn. Tuy nhiên, các nhà khoa học Hà Lan lại cho rằng trên thực tế con số này cao hơn nhiều, vì Liên Hợp Quốc không tính đến mức thu nhập của người tiêu dùng.
Các chuyên gia Hà Lan đã so sánh số liệu của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới. Từ đó họ phát hiện ra rằng lượng thực phẩm bị vứt đi bắt đầu tăng khi thu nhập hàng ngày của con người vượt trên mức 6,7 USD. Điều này giúp xác định rằng lượng thức ăn trung bình bị bỏ đi tính theo đầu người là 527 kilocalorie mỗi ngày. Lưu ý rằng con số này tương đương với giá trị dinh dưỡng của một chiếc bánh hamburger lớn. Điều đáng nói là Liên Hợp Quốc chỉ ước tính con số này là 214 kilocalorie mỗi ngày.
Theo thông tin của Liên Hợp Quốc năm 2019 trên thế giới có 820 triệu người bị đói ăn và con số này đang tiếp tục tăng lên. Còn có hai tỷ người khác không đủ ăn hoặc buộc phải dùng thực phẩm kém chất lượng. Hầu hết những người đói ăn là cư dân các nước châu Á (gần 500 triệu người) và Châu Phi (hơn 250 triệu người). Lượng thức ăn bị bỏ đi trên hành tinh đủ để nuôi sống khoảng 300 triệu người.