Tại tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của tố lốc, mưa đá trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái, tính đến 9 giờ, sáng 3-3, đã có bốn người bị thương, đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Mưa đá, tố lốc còn làm hư hỏng, tốc mái hơn 2.000 ngôi nhà, ba nhà bị đổ sập hoàn toàn, 10 trường học bị hư hỏng, 200 cây xanh cùng 30 cột điện trung thế, hạ thế bị gãy đổ, ước tính thiệt hại gần ba tỷ đồng.
Ngay trong tối 2-3 và sáng 3-3, Công ty Môi trường Yên Bái đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, di chuyển cây cối gãy đổ, bảo đảm giao thông. Theo Công ty điện lực Yên Bái, trong hôm nay, cơ bản cấp điện trở lại cho thành phố.
Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã tiến hành xuống hiện trường, thăm hỏi, động viên nhân dân cùng các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa dông kèm mưa đá xảy ra trên địa bàn các huyện Hàm Yên (khu vực các xã: Phù Lưu, Minh Dân, Yên Phú, Hùng Đức, Đức Ninh, Thái Hòa); huyện Chiêm Hóa (xã Minh Quang, thị trấn Vĩnh Lộc, Phúc Sơn, Tân Mỹ); huyện Na Hang (xã Năng Khả, Thượng Giáp, Thượng Nông, Côn Lôn).
Mưa dông kèm mưa đá làm 416 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trong đó, hai nhà bị sập đổ, hai nhà bị tốc mái hoàn toàn, 412 nhà bị tốc mái một phần. Mưa dông kèm mưa đá cũng làm 365 ha lúa mới cấy bị dập, hư hại; hơn 50 ha rau màu bị dập nát; khoảng 30 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 15 ha keo bị gãy, đổ.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện bị thiệt hại đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan phụ trách xã xuống cơ sở nắm tình hình, phối hợp UBND các xã bị thiệt hại hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục thiệt hại. Các đơn vị chức năng huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất.
Tại tỉnh Lai Châu, từ chiều 2-3 đến sáng 3-3, trên địa bàn hai huyện Tân Uyên, Phong Thổ xảy ra mưa đá, gió lốc gây thiệt hại hàng trăm nhà dân cùng hoa màu và tài sản khác.
Cụ thể, mưa đá, gió lốc đã làm khoảng 200 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa, trong đó thiệt hại tập trung ở các xã Nậm Sỏ, Nậm Cần, thị trấn Tân Uyên huyện Tân Uyên và một nửa số hộ bị vỡ ngói từ 50% trở lên. Ngoài ra, mưa đá tại huyện Tân Uyên cũng làm khoảng 50ha chè bị dập nát búp non, 20ha lúa bị thiệt hại từ 20 đến 30%, 12ha rau màu và chanh leo bị dập nát, gãy ngọn... ước tính thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng.
Tại huyện Phong Thổ, mưa đá cũng xuất hiện tại các xã vùng cao huyện Phong Thổ, bước đầu gây thiệt hại nhỏ về nhà cửa, hoa màu của nhân dân. Hiện, chính quyền địa phương đang phối hợp cơ quan chức năng tiến hành thống kê thiệt hại và chỉ đạo nhân dân khắc phục.
Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền các huyện đã thành lập các đoàn công tác liên ngành xuống cơ sở, phối hợp chính quyền các xã chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại. Trong đó, giao UBND và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các xã, thị trấn vận động, tuyên truyền nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Riêng đối với các hộ bị thiệt hại mái nhà hoàn toàn, được các xã vận động, hỗ trợ di chuyển đồ đạc, tài sản đến nhà người thân ở nhờ, ở tạm.