Đây là trường hợp rất hiếm trong y khoa. Cuộc phẫu thuật tách Trúc Nhi – Diệu Nhi dự kiến kéo dài 12 tiếng và tỷ lệ cứu sống là 74%. Đặc biệt, trong tổ tham vấn chuyên môn có Giáo sư Trần Đông A, người đã thực hiện thành công ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt Đức năm 1988 vang danh thế giới.
Được biết, sản phụ mang thai lần đầu và vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ được phát hiện thai đôi dính nhau vùng bụng chậu, hai thai nhưng chỉ có chung một dây rốn. Sản phụ sau đó được mổ đẻ lúc thai được 33 tuần tuổi. Cân nặng lúc sinh cả hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi được 3,2kg.
Gần 100 y bác sĩ Việt Nam tham gia phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi
Cuộc đại phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi bị dính liền vùng bụng chậu vô cùng phức tạp đã chính thức bắt đầu với sự tham gia của gần 100 bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế Việt Nam cũng như hàng triệu trái tim người Việt theo dõi, cầu nguyện cho hai thiên thần bé nhỏ.
Ngay từ sáng sớm, bố mẹ của Trúc Nhi và Diệu Nhi đã bật khóc, xúc động chia tay hai con gái trước khi hai bé được đưa đến khoa Phẫu Thuật – Gây mê hồi sức.
Đáng chú ý, theo đánh giá của các bác sĩ, tỷ lệ cứu sống hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi là 74%.
Khoảng 7 giờ 30, hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi được tiến hành gây mê nội khí quản, sát trùng phẫu trường.
Ước tính, mỗi bé sẽ mất khoảng 250 -500ml máu trong cuộc phẫu thuật này. Để đáp ứng nhu cầu máu hai bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
Theo Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, để thực hiện cuộc đại phẫu này, 93 nhân viên y tế đã được huy động, bao gồm hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM.
Đặc biệt, để thực hiện cuộc phẫu thuật “lịch sử”, ngành y tế Việt Nam đã cử 9 chuyên gia, gồm: 8 bác sĩ, 1 điều dưỡng, ê-kíp ngoại viện gồm 14 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng. Ê-kíp nội viện gồm 21 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
Trước khi tiến hành một trong những ca phẫu thuật phức tạp mang tính lịch sử của nền y học Việt Nam này các bác sĩ đã phối hợp hội chẩn nhiều lần với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn thành phố như bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Mắt, bệnh viện Xuyên Á và bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để lập kế hoạch phẫu thuật chi tiết.
Đáng chú ý, trong tổ tham vấn chuyên môn còn có Giáo sư Trần Đông A, người đã thực hiện thành công ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt Đức năm 1988.
Các phương án chi tiết cho cuộc đại phẫu cũng được tính toán, phân công kỹ lưỡng, kể cả kế hoạch xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong lúc mổ.
Cuộc phẫu thuật tách dính được xem là phức tạp nhất từ trước tới nay đã thu hút sự chú ý lớn của hàng triệu người dân trên khắp đất nước.
Rất nhiều lời cầu chúc tốt đẹp đã được gửi đến hai bé, gia đình và tập thể các nhân viên y tế tham gia cuộc phẫu thuật.
Trường hợp ca song sinh dính nhau Trúc Nhi và Diệu Nhi vô cùng hiếm gặp
Trước đó, vào tháng 7/2019, bệnh viện Hùng Vương đã chuyển một trường hợp song sinh dính nhau đặc biệt cho bệnh viện Nhi đồng TP. HCM. Tại đây, hai bé được các bác sĩ hồi sức sơ sinh tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong và các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân khác.
Sau khi thăm khám kỹ lượng, các bác sĩ kết luận đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng, xương chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
Qua các chẩn đoán, xét nghiệm cận lâm sàng bằng các phượng tiện hiện đại dành cho nhi khoa như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp vi tính cắt lớp mạch máu (CTA),… các bác sĩ phát hiện hàng loạt bất thường tại vùng bụng chung.
Cụ thể, hai bé có chung với nhau một phần hồi tràng, một khung đại tràng và chỉ có 1 lỗ hậu môn, có hai bàng quang nằm hai bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được hai niệu quản xuất phát từ hai bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng một bé, có tử cung âm đạo đôi.
Bên cạnh đó, hai bé còn có hở khớp mu, khung chậu hai bé lại xếp thành một vòng tròn. Nhờ được chăm sóc điều trị liên tục, hiện 2 bé đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, đủ điều kiện sức khỏe cần thiết để được tách dính.
Các giai đoạn của cuộc đại phẫu thuật tách rời Trúc Nhi – Diệu Nhi
Ngay từ chiều tối hôm qua, các điều dưỡng đã chăm sóc hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi, sẵn sàng chuẩn bị tại phòng vô trùng ở khoa Hồi sức sơ sinh.
Cha mẹ hai bé đã có một đêm thức trắng trước giây phút “quyết định” của con mình. Ngay trước khi vào phòng mổ, hai bé vẫn hồn nhiên tươi cười nô đùa cùng cha mẹ và các cô bác.
“Em chỉ mong 2 bé được bình an khỏe mạnh vượt qua ca phẫu thuật lần này. Còn về tương lai đến đâu tính đến đó chứ em cũng chưa biết phải làm sao”, mẹ hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi nghẹn ngào bày tỏ.
Tại phòng mổ siêu sạch số 12, các bác sĩ, điều dưỡng, dụng cụ viên, kỹ thuật viên của bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành đặt thông tiểu, gây mê cho hai bé.
Vào lúc 7h30, hai bé được các bác sĩ tiến hành gây mê nội khí quản, sát trùng phẫu trường, kê tư thế chuẩn để bắt đầu mổ.
TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc BV Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh là trưởng ekip cho cuộc đại phẫu này. Được biết, trước đó, BS Định cũng là người từng trực tiếp chỉ đạo ca phẫu thuật cho hai bé Phi Long, Phi Phụng bị dính liền ngực bụng khi đang còn là Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2.
93 thành viên tổ phẫu thuật được chia thành 11 kíp, được phân công chuyên biệt các công việc gồm: gây mê, dụng cụ, phẫu thuật ngoại tổng quát, chỉnh hình, tạo hình, hồi sức, hồi sức trước mổ, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng.
Theo tính toán, các bác sĩ sẽ mất khoảng 2-3 giờ cho thời gian gây mê, tiền phẫu. Các bác sĩ sát trùng phẫu trường, đo vẽ các đường rạch.
Tiếp đó, thì phẫu thuật thứ nhất kéo dài 2-3 giờ, kip mổ sẽ tách đường tiêu hóa, chọn lọc bàng quang và cơ quan sinh dục cho hai bé.
Thì thứ 2 cần khoảng 2 giờ, các bác sĩ tiếp tục bóc tách, rạch da đường tầng sinh môn, hoàn tất quá trình tách rời và phân chia các phần nội tạng chung.
Thì thứ 3 tốn nhiều thời gian nhất, khoảng 4 giờ. Ekip sẽ tiến hành tạo hình, sắp xếp xương chậu, hai chân và các nội tạng vào đúng vị trí sinh học. Khâu cuối cùng là bó bột giúp cố định. Hai bé sau đó sẽ được chuyển qua khoa Hồi sức tim.
Mong tạo hóa trả lại cho Trúc Nhi – Diệu Nhi cuộc đời lành lặn
Theo chia sẻ của TS.BS Trương Quang Định, hai bé đã gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM từ lúc còn trong bụng mẹ. Lúc đó, các bác sĩ cũng đã lưu ý gia đình về trường hợp dính nhau phức tạp của hai em bé. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn quyết tâm nuôi dưỡng thai nhi chờ ngày chào đời.
“Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho 2 bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua bao lần hội chẩn không đếm nổi, để ngày hôm nay đi đến quyết định thực hiện công việc này. Một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn”, trưởng ekip mổ, bác sĩ Trương Quang Định cho biết.
Ngoài TS. BS Định, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cũng bày tỏ mong ước: “Cầu mong ca mổ thành công để hai thiên thần Trúc Nhi và Diệu Nhi chào đón cuộc sống mới độc lập như bao trẻ em khác”.
Đến khoảng gần 10h TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Trưởng ê kip phẫu thuật rạch da đường đầu tiên bắt đầu cuộc mổ.
Sau đó lần lượt các chuyên gia, bác sĩ thực hiện chia đôi ruột, tách quang, niệu quản, tử cung….
Đến thời điểm này, sinh hiệu 2 bé hoàn toàn ổn định. Các bác sĩ duy trì từ 20 - 30 người trong các nhóm mổ trong phòng mổ chính.
Ca mổ được Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM truyền hình trực tiếp ra ngoài phòng báo chí để các cơ quan truyền thông tác nghiệp.