Các nhà khoa học đã sử dụng những con cá bơn từ Biển Okhotsk và Biển Nhật Bản làm sinh vật chỉ thị môi trường nước để phát hiện sự hiện diện của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), lượng chất này hóa ra thấp hơn ngưỡng chấp nhận được. Kết quả nghiên cứu với những kết luận như vậy được công bố trên tạp chí Marine Pollution Bulletin.
"Quả bom hẹn giờ"
Trong dạ dày của các con cá đã tìm thấy nhiều loại chất POP khác nhau. Trong giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ 20, các hợp chất này đã được sử dụng để làm điện môi trong máy biến áp, trong nhựa, trong một số loại sơn và giấy than. Sau khi các nhà khoa học chứng minh rằng, các hợp chất này có thể gây ra bệnh ung thư và rối loạn di truyền, chúng đã bị loại bỏ.
Lượng chất ô nhiễm trong các con cá bơn đã được đánh bắt là thấp hơn tiêu chuẩn hiện hành.
“Mối đe dọa tiềm tàng là do các chất POP có thể tích tụ trong cơ thể và có đặc tính tích tụ các chất độc trong chuỗi thức ăn. Ví dụ, nếu chúng ta tìm thấy 10 đơn vị trong một con cá, thì con gấu ăn nó sẽ có 100 đơn vị. Những người ăn cá cũng không phải là ngoại lệ, mặc dù theo tính toán của chúng tôi, những người tiêu thụ khoảng 29 kg cá bơn mỗi năm mới có nguy cơ mắc bệnh ung thư”, - Maxim Donets, tác giả đầu tiên của bài báo, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh thái của Trường Y sinh thuộc Đại học FEFU cho biết.
Theo nhà khoa học, những chất ô nhiễm như vậy phân hủy chậm và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau mấy thập kỷ.
Vì sao các nhà khoa học lựa chọn cá bơn?
Rất khó để tìm thấy các chất ô nhiễm trực tiếp trong nước, vì các hợp chất có thể bám vào các phần tử hữu cơ, lắng xuống đáy. Cá bơn là loài sinh vật rất thuận tiện để chỉ thị môi trường nước, vì nó sống trong một khu vực nhất định và chỉ di cư theo mùa. Điều này có nghĩa là hầu hết thời gian trong năm cá bơn sinh sống trong những điều kiện nhất định và ăn cùng một loại thức ăn. Các chất trong cơ thể cá bơn có thể được sử dụng để xác định sự hiện diện của chất POP trong môi trường nước. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể nhanh chóng tìm kiếm nguồn gây ra ô nhiễm nếu chất thải nguy hại vượt quá khối lượng quy định.
Các nhà nghiên cứu truyền thông tin thu được đến Trung tâm Giám sát các chất POP của Trung và Đông Âu, nơi thực hiện kế hoạch giám sát toàn cầu đối với các hợp chất này.
Các nhà khoa học của FEFU đã nghiên cứu về các chất POP trong môi trường Viễn Đông trong khoảng 12 năm. Trước đây, các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng, các hợp chất như vậy tích tụ trong các sinh vật biển có hàm lượng mô mỡ cao, cũng như trong các động vật biển có vòng đời lâu hơn.
Các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường được cho là các vụ rò rỉ từ những nhà kho, các cánh đồng nông nghiệp ở các quốc gia tiếp tục sử dụng thuốc trừ sâu, những hiện tượng trong khí quyển, dòng chảy biển và sự di cư của các động vật biển như cá hồi Thái Bình Dương đi qua vòng xoáy rác thải ở Thái Bình Dương.