Đại sứ Nga gay gắt chỉ trích giới truyền thông Nhật Bản vì "những lời cáo buộc hạt nhân"
12:31 22.09.2022 (Đã cập nhật: 13:46 22.09.2022)
Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin gay gắt chỉ trích những lời phê phán khắt khe của các phương tiện truyền thông nước này, trong đó có "nhiều lời bóng gió" về khả năng Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến chiến dịch đặc biệt ở Ukraina.
"Nhiều lời bóng gió đã xuất hiện trở lại trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Chúng tôi muốn nhắc nhở các vị rằng lập trường mang tính nguyên tắc của Nga là không được để xảy ra chiến tranh hạt nhân", - tuyên bố của người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Nga đăng trên các trang mạng xã hội của ĐSQ cho biết.
Ông Galuzin chỉ ra rằng chính Nga đầu năm nay đã khởi xướng việc thông qua tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo 5 cường quốc hạt nhân kêu gọi ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang, trong đó tuyên bố rằng không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy, do đó không bao giờ được để nó nổ ra.
Đại sứ một lần nữa liệt kê các tình huống khiến Nga có thể phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh rằng những phương tiện truyền thông nói trên "cho thấy họ đã hiểu sai hoàn toàn quyết định ngày 27 tháng 2 năm nay của Tổng thống Nga về việc tạm thời chuyển lực lượng răn đe của quân đội Nga sang chế độ trực chiến đặc biệt".
"Đồng thời có một điều đáng ngạc nhiên là các nhà chức trách và truyền thông Nhật Bản dường như quên mất rằng ai là người đầu tiên sử dụng đầu đạn nguyên tử trong xung đột vũ trang và vũ khí đó được sử dụng ở đâu, quên mất rằng cường quốc nào trên thế giới có kinh nghiệm sử dụng tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đó”, - nhà ngoại giao nhận xét.
Như ông Galuzin nhắc lại, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của mình.
"Đi ngược lại Hiệp ước NPT, Washington đang thực hiện cái gọi là sứ mệnh hạt nhân với các đồng minh của mình trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương, đào tạo các quân nhân NATO từ các quốc gia phi hạt nhân biết cách xử lý loại vũ khí này, và một trong những kịch bản "huấn luyện" đó là sử dụng chúng chống lại Nga”, - Đại sứ nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao lưu ý rằng thật lạ lùng khi ”nghe thấy những cáo buộc "hạt nhân" chống lại Nga từ Nhật Bản, đất nước mọi người đều biết là trong chính sách an ninh của mình không trông cậy vào điều gì khác mà lại trông cậy chính vào "chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, liên tục quan tâm đến độ bền vững và khả năng vận hành thông suốt của nó”.