‘Dân làm hư đăng kiểm viên’: Phát biểu của ông Nguyễn Tô An gây tranh cãi
© Ảnh : Social media account of Đăng kiểm Việt NamCục Đăng kiểm Việt Nam
© Ảnh : Social media account of Đăng kiểm Việt Nam
Đăng ký
Lý giải của Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An cho rằng, người dân có một phần trách nhiệm khi ‘làm hư’ đăng kiểm viên, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Một số đại biểu Quốc hội khi được hỏi đã cho rằng, lý giải như trên là “bao biện, chối bỏ trách nhiệm” và “thiếu thành khẩn, không thể chấp nhận được”.
“Cần nhìn lại mình trước tiên”
Ngày 12/1 vừa qua, tại buổi trao đổi với báo chí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An cho rằng việc tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm có một phần là do người dân “làm hư” đăng kiểm viên.
“Ở góc độ trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm nhận hết trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, tâm lý của người dân chỉ mong đi đăng kiểm đạt, để xe được lưu hành luôn mà không cần phải sửa chữa, nên đã đưa tiền 'làm hư' đăng kiểm viên, khiến nhiều người không vượt được lòng tham, gây ra tình trạng tiêu cực", - ông An nói.
Theo ông, có những đăng kiểm viên bản lĩnh không vững vì không chiến thắng được lòng tham nên tặc lưỡi cho qua.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm không đồng tình với lý giải này của ông Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) cho rằng, khi có sai phạm, cần nghiêm khắc nhìn lại chính bản thân mình đầu tiên. Không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh và những người xung quanh, nhất là khi người vi phạm có cả cán bộ, đảng viên.
Bà Nga cho rằng, những vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm có cả nguyên nhân về mặt chủ quan và khách quan.
"Tuy nhiên đặt trong vụ việc cụ thể là vấn đề tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm thì không thể đổ lỗi cho người dân làm hư đăng kiểm viên. Tôi cho rằng đây là sự bao biện, chối bỏ trách nhiệm", - bà Nga nói.
Bà Nga nhấn mạnh, không phủ nhận có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp không muốn tuân thủ các quy định pháp luật với lý do muốn nhanh chóng, không theo quy trình hay không đủ điều kiện đáp ứng mọi quy định. Đó là những suy nghĩ lệch lạc, vô trách nhiệm với cộng đồng.
Mỗi năm, tai nạn giao thông tại Việt Nam đã gây thiệt hại rất nhiều nhân mạng. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn do nguyên nhân từ các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn vẫn được lưu thông trên đường.
Những người làm đăng kiểm lẽ ra phải kiên quyết đấu tranh với những hành vi sai trái (nếu có) từ phía người dân, chứ không phải nhiệt tình tiếp tay để rồi khi sự việc vỡ lỡ thì quay sang đổ lỗi.
"Nếu có sự cương quyết từ phía đăng kiểm viên thì tôi tin những trường hợp 'người dân làm hư đăng kiểm viên' sẽ không có lý do tồn tại", - nữ đại biểu nêu rõ.
Từ đó, bà đề nghị phải xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác đăng kiểm, không để những vấn đề nhức nhối này tiếp tục xảy ra.
“Đổ thừa chưa thành khẩn”
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng, việc Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm “đổ thừa” dân làm hư đăng kiểm viên là "vô trách nhiệm, không chấp nhận được".
"Đồng ý là tài xế, chủ xe muốn bỏ qua các lỗi, vi phạm của xe nên đã lót tay cho kiểm định viên. Nhưng nếu kiểm định viên trong sạch, không tham nhũng, tham ô, tiêu cực, làm đúng theo quy định pháp luật thì làm gì người dân dám lót tay. Việc đổ thừa cho người dân gây ra một phần vi phạm là không đúng. Điều này không thể hiện sự thành khẩn trong nhìn nhận những vi phạm, thiếu sót của kiểm định viên, Cục Đăng kiểm trong thời gian qua", - ông Hòa phân tích.
Theo ông, vụ án đăng kiểm hiện đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm và ở đâu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm minh, không loại trừ ai.
Bên cạnh đó, cần sớm có biện pháp ổn định tình hình tại các trung tâm đăng kiểm, để người dân có thể nhanh chóng thực hiện việc đăng kiểm, yên tâm đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.