Người Việt ở Mỹ nói gì về Donald Trump?

Năm đầu tiên làm tổng thống của ông Trump qua con mắt người Việt sinh sống và làm việc ở Mỹ là một năm đầy màu sắc và bất ngờ, như chính cái cách mà ông đã thắng cuộc bầu cử 2016.
Sputnik

Băng Anh trở lại Việt Nam nghỉ xuân sau 4 năm trung học ở Mỹ. Xứ cờ hoa đã biến thiếu nữ bé nhỏ ít nói ngày nào trở thành cô gái tự tin, hoạt bát. "Em không quan tâm đến chính trị đâu, nhưng tò mò muốn chứng kiến năm nay sẽ có đổi thay gì lắm, Trump mà, có ai lường được ông ấy làm gì đâu", Băng Anh nói giữa câu chuyện phiếm cùng những người bạn Mỹ một buổi chiều mưa phùn rét ngọt ở cà phê Giảng.

Trump khoe kiến thức về lịch sử 2.000 năm của Việt Nam

"Phải rồi, chúng tôi hay phàn nàn thôi chứ cũng vẫn dõi theo tổng thống mà, ông ấy quá khác biệt để bỏ qua", anh bạn trai Taylor của cô gật gù.

Bất ngờ không dễ chịu

Donald Trump có lẽ là một trong những nhân vật, chủ đề gây tranh cãi nhất tại nước Mỹ. Người ta có thể nhìn thấy những dòng tweet từ tài khoản Twitter của ông lúc 3 giờ sáng, được soạn bởi chính ông chứ không phải đội ngũ truyền thông. Tổng thống là người khó đoán và thường xuyên tranh cãi, ngay cả với chính nội các của mình. Ông thích lập nên những kỷ lục, phá đi những tiền lệ, những truyền thống của nền chính trị Mỹ. Đó là những điều mà nhóm bạn người Mỹ của Băng Anh nhận định.

Vậy còn với những người Việt sinh sống và học tập ở Mỹ như Băng Anh, nước Mỹ một năm qua cùng vị tổng thống mới ra sao?

Cũng về Việt nam trong kỳ nghỉ xuân giống Băng Anh, Hồng Hà vừa trải qua năm học đầu tiên ở Mỹ. Cô nghiên cứu sinh ngành marketing vẫn quen với hình ảnh ông Trump nổi tiếng trong làng giải trí và kinh doanh, hơn là một chính trị gia.

"Lúc Trump thắng cử em bất ngờ vì thua độ", Hồng Hà cười, "nhưng cũng mong chờ xem mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng những gì ông ấy hứa không, ví dụ như vực dậy kinh tế, thay đổi cục diện xã hội, lấy lại vị trí chính trị của Mỹ…".

Lê Nghĩa, 23 tuổi, cũng là du học sinh và đang làm cho PricewaterhouseCoopers, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện tại. Năm nay là năm thứ 6 của Nghĩa ở Mỹ.

"Các bạn nam có vẻ theo dõi nhiều hơn các bạn nữ. Trump đắc cử thì đa phần bất ngờ, nhất là người trẻ như sinh viên tụi em. Cũng sốc. Mấy tuần đầu hậu bầu cử họ biểu tình cũng dữ", Nghĩa nói với Zing.vn.

Không chỉ các du học sinh, người gốc Việt ở Mỹ lâu năm cũng bày tỏ ngạc nhiên với chiến thắng cuối năm 2016 của tổng thống.

"Đa số những người mình quen biết đều bất ngờ". Anh Huy Le, bác sĩ nội trú bệnh viện Christus Santa Rosa, ở thành phố San Antonio, Texas, chia sẻ. "Bạn bè và người quen trong ngành khi nghe Trump phát biểu đều nhận định ông mắc bệnh mà tâm thần học gọi là ‘rối loạn nhân cách ái kỷ'. Trump nói gì cũng được miễn sao người nghe lúc đó thích ông ấy. Mình cũng không nghĩ là ông sẽ thắng bởi ông không có chút kinh nghiệm nào về chính trị".

Duterte: "Tổng thống Trump muôn năm!"
Anh Huy còn ngạc nhiên vì khá nhiều người quen cũng bỏ phiếu cho ông Trump. Theo anh, lý do là bởi thời điểm đó họ đang mất niềm tin vào chính phủ Mỹ. Họ muốn một làn gió mới và đã tin tưởng ông Trump hơn bà Hillary Clinton lúc đó đang dính scandal.

Năm đầu tiên ồn ào

Làm việc trong ngành thuế, Lê Nghĩa rất nhanh chóng đưa ra ấn tượng của anh về ông Donald Trump trong năm đầu tiên tại nhiệm. "Có vẻ như điều đáng kể nhất Trump làm được trong năm vừa rồi là cải cách thuế. Đây là đợt cải cách lớn nhất trong vòng hơn 20 năm qua, kể từ 1996. Thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế phản ứng rất tích cực trong năm đầu tiên Trump cầm quyền, có thể do Trump, nhưng cũng có thể chỉ là do ông nhậm chức đúng thời điểm mà thôi".

Anh lưu ý rằng trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng rất tốt, nhưng sẽ xảy ra khủng hoảng theo chu kỳ. "Trump còn rất nhiều điều phải làm nếu muốn thực hiện những gì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử", anh nói.

Nghĩa cũng nhận thấy rằng từ hồi Trump lên làm tổng thống, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã chặt chẽ hơn đối với các vấn đề về di trú hoặc nhập cư. "Năm đầu tiên Trump chưa đưa ra thành công dự luật nào có thể tác động đến du học sinh mặc dù lịch trình của ông là làm chặt hơn về visa H1B. Còn về người di cư thì hiện các dạng bảo lãnh đang bị đóng băng và một vài dạng bảo lãnh như bảo lãnh anh chị em đã không còn thực hiện được nữa".

Visa H1B là loại visa không định cư cho phép một công ty Mỹ tuyển dụng nhân sự nước ngoài tới Mỹ làm việc lên đến 6 năm. Đề cập vấn đề này, Hồng Hà cho biết: "Các bạn đồng nghiệp hay người giám sát của em không ủng hộ Trump nên hay quan tâm hỏi em có kế hoạch gì sau khi học xong. Nói chung giờ đi ra đường gặp sinh viên quốc tế ai cũng quan tâm như vậy. Chính sách visa H1B thì chưa được thông qua sửa đổi nhưng sẽ làm chậm tiến độ hồ sơ so với trước khi Trump đắc cử, dù gì cũng hơi bất lợi cho sinh viên quốc tế như chúng em".

Bà Clinton gọi điện cho ông Trump và thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử
Theo Hồng Hà, cuộc sống của dân nhập cư thực tế trước và sau khi Trump đắc cử thay đổi không nhiều, chỉ những người qua Mỹ bất hợp pháp mới bị ảnh hưởng vì thắt chặt quy định và thời gian xét duyệt hồ sơ. Điều quan trọng là tư tưởng của người Mỹ, họ có động thái e ngại và dè dặt hơn khi tiếp xúc với người nước ngoài.

Ngoài người nhập cư, Tổng thống Trump cũng thường xuyên thể hiện sự không thiện chí với cộng đồng LGBT+. Là một người song tính, Hồng Hà tâm sự cô không thấy có trở ngại gì cho đến hiện nay, và vấn đề không nằm ở Trump, mà ở những người ủng hộ "hơi hung hăng" của ông.

"Khi Trump đắc cử mọi người trong cộng đồng cũng có động thái lo sợ, nhưng hiện tại thì vẫn không có chính sách gì quá bất lợi. Thật ra em cũng không nghĩ nước Mỹ sẽ là nơi không an toàn cho cộng đồng LGBT+, chỉ là chính sách súng ống ở đây quá lỏng lẻo thôi".

‘Hiệu ứng Trump'

"Đây là lần đầu tiên mình thấy có nhiều người muốn tổng thống xuống chức như vậy", anh Huy Le đã sống ở Mỹ gần 20 năm, nói.

Theo quan điểm của anh, ông Trump làm người Mỹ mất niềm tin vào nhau nhiều hơn là đoàn kết nước Mỹ. "Nhiều người tin tưởng ông, nhiều người không, nên nước Mỹ bị chia thành các nhóm. Từ lúc Trump lên, có những người phân biệt chủng tộc ra đường phát biểu rằng nước Mỹ là của họ, chứ không phải của người Hồi giáo hay gốc Mexico. Và mình cũng để ý, có nhiều người đã hối hận vì từng bầu cho Trump, vì những lý do mình nói trên và lý do riêng của họ nữa".

Anh Huy nói mình chẳng mong đợi gì thêm ở Trump, chỉ mong những người lãnh đạo khác bên ông ấy sẽ sáng suốt hơn.

Còn với Hồng Hà, cùng vấn đề nước Mỹ bị chia rẽ, cô lại có cái nhìn khác. "Chủ yếu là mọi người có thêm chủ đề để bàn tán và có thêm hình ảnh với phát ngôn để chế thôi", Hà vui vẻ. "Những người tin Trump có cơ sở để lên tiếng hơn và những người phản đối Trump thì thêm phần bức xúc. Em thấy nước Mỹ ồn ào nhộn nhịp hơn hẳn trước cuộc đắc cử lịch sử này".

Cô giãi bày rằng bản thân chỉ mong chính sách cho du học sinh sẽ không bị thắt chặt quá, mong muốn Trump bớt hành xử "trẻ con" và có những động thái chuyên nghiệp hơn khi đưa ra quan điểm. "Vì ông ấy là bộ mặt của Mỹ mà. Mọi người cũng thấy mắc cười khi ông ấy lên làm tổng thống là Florida có tuyết sau 30 năm luôn, thần kỳ!".

Lê Nghĩa thì lại rất trông đợi tổng thống "sẽ tiếp tục mang tính giải trí" như hiện nay. "Phát ngôn sốc, tạo scandal, làm chính trị bớt khô khan, đó là những điều em muốn thấy ở năm thứ hai của Trump", anh khẳng định chắc nịch.

Trong số những người bạn ngồi trò chuyện cùng Băng Anh ở quán cà phê hôm ấy, José Reyes là người Mexico. 

"Tôi còn chẳng lo lắng nhiều về Trump, người Việt Nam các bạn hãy tận hưởng đi, vui vẻ mà", anh cười. 

"Ca cẩm mãi cũng không thay đổi được gì, cứ để Trump làm những điều ông ấy muốn. Em cùng các bạn cũng để ý hơn đến chính trị Mỹ và thế giới hơn từ khi Trump đắc cử đấy", Băng Anh cho biết. "Ông ấy khiến mọi thứ bớt tẻ nhạt. Không phải lúc nào mình cũng có cơ hội sống trong giai đoạn nhiều biến động nhưng cũng rất thú vị này", cô nói, mắt nhìn sang anh bạn trai người Mỹ.

Bài viết thể hiện quan điểm của các bạn trẻ trả lời phỏng vấn Zing.vn

Theo: Zing

Thảo luận