Người đàn ông từ chối tình mới, 20 năm chăm vợ bị liệt ở Hà Nội

"Nếu tôi như người khác, vợ nằm một chỗ, chồng đi lăng nhăng ngoại tình thì các con tôi sẽ nghĩ gì về bố. Vợ chồng là nghĩa, là tình như gừng cay muối mặn. Bao năm tháng tôi đi xa nhà, một tay bà vun vén, nuôi dạy con. Bây giờ bà ngã bệnh, bà ấy cần tôi nhất", ông Thọ nói.
Sputnik

Một buổi chiều mùa đông, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Chí Thọ, (SN 1955), ở Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội. Gặp chúng tôi ông niềm nở mời vào nhà và hào hứng chia sẻ về cuộc hôn nhân của mình với người vợ tào khang.

Chỉ tay về chiếc giường ở góc phòng, ông Thọ cho biết người đang nằm trên đó là bà Nguyễn Thị Quyên (SN 1955) —  vợ ông.

Ngày trước, ông bà vốn là bạn thanh mai trúc mã ở một xóm nhỏ của huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hai gia đình chỉ cách nhau 1 "dậu mồng tơi", họ lớn lên bên nhau, rồi sớm nảy sinh tình cảm nhưng bao cảm xúc đẹp đẽ đó được họ giấu kín trong lòng. Để rồi mỗi lần chạm mặt, chỉ dám len lén nhìn nhau.

Hồi đó, ông Thọ nổi tiếng chăm chỉ, hiền lành, chịu khó, còn bà Quyên là cô thôn nữ mới lớn xinh đẹp nổi bật trong vùng. Chỉ đến khi học xong phổ thông, họ xuống Hà Nội đi làm công nhân, ông Thọ mới chính thức ngỏ lời với cô bạn thân và đđám cưới giản dị diễn ra khi họ tròn 20 tuổi.

Kết hôn xong, ông Thọ được điều động đi làm ở xa, mỗi năm về thăm nhà 3, 4 lần. Bà Quyên ở nhà vừa làm công nhân vừa chạy chợ, bán buôn kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, động viên chồng yên tâm công tác. Rồi lần lượt 3 đứa con ra đời, làm căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ luôn rộn rã tiếng cười.

"Mỗi lần về ông ấy lại tặng tôi 1 đứa con" — bà Quyên vừa tỉnh giấc, nghe cuộc trò chuyện liền nói với ra góp vui.

Thấy vợ tỉnh giấc, ông Thọ vội vàng chạy da dìu vợ ngồi dậy, lấy khăn lau mặt giúp vợ. "Bà xã tôi nằm một chỗ cũng hơn 20 năm rồi. Giờ có thể ngồi dậy, nói chuyện như thế này là một kỳ tích" — ông Thọ bộc bạch.

"Năm 1990, tôi nghỉ hưu sớm, 2 năm sau thì vợ tôi cũng xin về. Nhận một khoản tiền theo chế độ, tôi và vợ mua hai chiếc máy khâu để làm ăn. Cuộc sống cũng có phần đỡ vất vả", ông Thọ nói.

Năm 1995, khi người con trai cả của hai ông bà vào đại học cũng là lúc biến cố ập đến. Một buổi sáng ngủ dậy bà Quyên đột nhiên không nói được, toàn thân như bất động. Ông Thọ nhìn kỹ thì thấy mặt vợ mình tái xanh, nhợt nhạt. Ông vội đưa bà vào bệnh viện khám. Tại đây bác sỹ kết luận, bà bị tai biến mạch máu, cần nhập viện gấp để điều trị.

Vợ bị liệt, ông Thọ tự tay chăm sóc nhà cửa, nấu nướng

"Lúc nghe tin từ bác sĩ nói bệnh tình của vợ, tôi như chết lặng. Tôi là trụ cột gia đình, nên đau đớn, buồn bã thế nào, tôi cũng phải nén lại để lo cho vợ cho con. Nếu tôi cứ nghĩ tiêu cực, gia đình này sẽ đổ vỡ", ông Thọ trải lòng.

Ông Thọ tiếp lời: "Hồi đó vợ tôi vừa nằm viện được 10 ngày thì chuyển sang hôn mê sâu và sống thực vật 5 suốt năm trời. Tôi bỏ dở mọi công việc để vào viện chăm vợ. Các con còn đang đi học nên chẳng giúp được gì nhiều, một tay tôi phục vụ bà.

Lúc đó tôi nghĩ đã là vợ chồng thì phải đồng cam cộng khổ. Chỉ cần bà ấy tỉnh lại, có đánh đổi thứ gì  tôi cũng sẵn lòng".

Có lần, các con thấy ông quá vất vả, định xin bố cho nghỉ học đi làm. Ông nghe vậy thì gạt phắt đi. "Tôi nói với các con rằng bố còn gắng được. Các con phải học hành để có cơ hội làm giàu, có tri thức, có kinh tế thì mới giúp được bố mẹ" — người đàn ông sinh năm 1955 nhớ lại.

"Mấy năm nằm ở bệnh viện ròng rã, tôi đón bà ấy về nhà để tiện chăm sóc. Trước khi về, các bác sỹ dặn: "Bà có thể tỉnh lại, nhưng người chăm sóc cần chu đáo, nhẹ nhàng và không cáu gắt. Mọi người thường xuyên nói chuyện với bà ấy để kích thích hoạt động của thần kinh".

Để có tiền thuốc men cho vợ và nuôi các con ăn học, ông bán chiếc máy khâu, mở một xưởng mộc nhỏ ở nhà, bằng tay nghề giỏi cộng với tính tình nền nã, ôn hòa nên ông được khách hàng ủng hộ.

Trong căn nhà cấp bốn mái đã thủng lỗ chỗ, khi mưa, mước ngập lênh láng, ông tìm chỗ khô ráo cho vợ nằm, còn mấy bố con trùm áo mưa ngồi. Thấy gia đình ông khổ cực, họ hàng hai bên gom góp, giúp đỡ mỗi người một ít. Dần dà, ông Thọ cải tạo lại căn nhà cũ thành nhà hai gác để tiện sinh hoạt.

Cuộc sống của cặp vợ chồng già cứ quẩn quanh như thế cho đến một ngày, mi mắt bà Quyên bất chợt nhấp nháy, ông Thọ nhìn thấy vợ như vậy thì mừng rỡ, nước mắt chực trào ra.

"Lần đầu thấy bà ấy mở mắt, tỉnh lại sau 5 năm sống thực vật, trái tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Giây phút đó tôi không bao giờ quên được. Tôi muốn hét thật to: sống rồi, vợ tôi sẽ sống, sẽ khỏe mạnh", ông Thọ nói.

Vẫn theo lời ông Thọ, khi tỉnh lại, ý thức của  bà Quyên vẫn còn rất mơ hồ. Để giúp vợ, ông Thọ luôn ở bên động viên, kể những câu chuyện quá khứ, những kỷ niệm đẹp của ông và bà thuở xưa.

"Tôi nói với bà rằng nếu khỏe lại tôi sẽ đưa bà đi chơi. Một thời gian sau, bà ấy đã tỉnh táo nhiều hơn nhưng vẫn nằm một chỗ không cử động được. Để giúp vợ phục hồi, tôi còn lặn lội khắp nơi để tìm thầy tìm thuốc. Cứ nghe ai mách ở đâu có thuốc tốt là tôi lại đi. Mỗi tuần, tôi cũng nhờ bác sỹ đến nhà châm cứu 2 lần. Châm cứu nhiều không đem lại kết quả tốt, tôi giảm xuống còn mỗi tháng 2 lần, đồng thời tăng thời gian bấm huyệt và xoa bóp lên. Từ uống nước cháo,vợ tôi có thể ăn cháo đặc, rồi ăn cơm. Dần dần, từ chỗ người khác phải bón, bà đã tự ăn và ngồi dậy được. Đến nay, bà đã có thể ngồi xe lăn, chơi với các cháu và nói chuyện với mọi người dù câu chữ chưa rõ", ông Thọ tâm sự.

Bà Quyên tâm sự: "40 năm làm vợ chồng, ông ấy chưa bao giờ nặng lời hay to tiếng với tôi"

Vất vả, thức đêm mệt nhọc là thế nhưng chẳng bao giờ ông Thọ nề hà. Ông cũng không bao giờ than thân trách phận mà chỉ biết chăm vợ thật tốt. Bà Quyên bệnh tật nên có lúc chán nản, bực bội nổi cáu với ông, tuy nhiên ông chỉ cười trừ và tếu táo đùa cho bà vui.

Thương ông, có lần bà Quyên khuyên chồng nên chia tay đi tìm hạnh phúc mới để có người đỡ đần khi tuổi già. Ông Thọ nghe xong mắng bà một trận. Ông Thọ chia sẻ: "Nếu tôi như người khác, vợ nằm một chỗ, chồng đi lăng nhăng ngoại tình thì các con tôi sẽ nghĩ gì về bố. Vợ chồng là nghĩa, là tình như gừng cay muối mặn. Bao năm tháng tôi đi xa nhà, một tay bà vun vén, nuôi dạy con. Bây giờ bà  ngã bệnh, bà ấy cần tôi nhất".

Hơn 20 năm, tôi làm chỗ dựa, cùng bà ấy chiến đấu với bệnh tật, chỉ hi vọng bà ấy tỉnh táo, cười nói được với tôi. Giờ đây các con đều đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng. Tôi vẫn dạy con trai phải sống có trách nhiệm và biết yêu thương vợ con mình".

Nói về vợ mình, ông Thọ cười chia sẻ: "Ngày xưa tôi mê mẩn bà cũng bởi nụ cười chứ về tổng thể thì bà ấy vụng lắm. Bà ấy nấu cơm 10 lần thì có 8 lần sống, tôi thấy vậy vẫn cố gắng ăn mà không trách nửa câu. Nói gì thì nói, bà ấy là người phụ nữ tôi yêu và lấy làm vợ. Vì vậy, bà bệnh tật thế nào, tôi vẫn luôn bên cạnh, chăm sóc cả cuộc đời".

Nguồn: vietnamnet

 

Thảo luận