Chị gái văn phòng bỏ việc thành bà trùm 'vàng đỏ' Việt Nam

Ít ai nghĩ rằng, từ một cô gái văn phòng xin nghỉ việc với lý do ngại với công ty vì mang bầu liên tục... nay đã thành chủ một doanh nghiệp thời trang và là trùm buôn Saffron - “vàng đỏ” lớn nhất Việt Nam.
Sputnik

Liên tục mang bầu, liền xin nghỉ việc

Hơn 10 giờ sáng, ngồi tại một khu văn phòng trên phố Nguyễn Thị Thập (Thanh Xuân, Hà Nội) thưởng thức tách trà nóng, chị Vũ Thanh Hòa (sinh năm 1982), chủ một doanh nghiệp buôn Saffron (nhụy hoa nghệ tây) bảo: "Trà Saffron đấy. Loại này bên Iran gọi là 'vàng đỏ' vì chúng có giá đắt hơn cả vàng".

Cầm tách trà Saffron thả 3 sợi "vàng đỏ" bên trong, chị Hòa chia sẻ, thấy có duyên với loại gia vị đắt đỏ bậc nhất thế giới này nên chị mới buôn chúng, chứ nghề nghiệp của chị từ trước đến giờ không liên quan gì cả.

Chị Hòa có bằng cử nhân ngành Luật tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Ra trường, chị đầu quân cho một công ty xuất nhập khẩu rồi lấy chồng sinh con. Được một thời gian chị mang bầu bé đầu lòng. Khi đứa đầu của chị vừa tròn một tuổi, chị phát hiện mình bầu tiếp đứa thứ hai.

"Lúc đó, tôi mới làm được ở công ty 2 năm, vừa nghỉ chế độ thai sản dài giờ lại bầu bí nên tôi thấy hơi ngại với công ty và với sếp mình", chị nói. Vừa vào, chưa cống hiến được gì cho công ty, trong khi công việc của chị là chạy đi chạy lại lên cửa khẩu rất nhiều. Thế nên, chị quyết định xin nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ chứ thực ra công ty không có ý kiến gì, cũng không ép chị nghỉ việc. Chỉ là chị thấy ngại nên tự xin nghỉ.

Thời điểm đó vào khoảng 2008, ở nhà suốt nên chị bắt đầu tập tành kinh doanh online cho đỡ buồn.

Hồi đó, quần áo hàng Việt Nam xuất khẩu rất hot chứ không phổ biến như bây giờ. Chị gái chị lại làm quản lý cho một hãng thời trang Hồng Kông tại Việt Nam nên về ngành may mặc, chị được tư vấn khá kỹ.

Biết nhiều hãng thời trang lớn ở nước ngoài đặt các nhà máy tại Việt Nam gia công quần áo cho mình. Nguyên tắc của họ là khi gửi nguyên vật liệu sang Việt Nam sẽ thừa khoảng 3% để trừ phần may hỏng, may lỗi. Đơn cử, họ đặt may 1.000 chiếc áo thì vải vóc nguyên liệu họ gửi sang để may được 1.030 chiếc áo. Đáng chú ý, mỗi đơn hàng họ đặt tới vài chục ngàn, thậm chí tới vài trăm ngàn sản phẩm.

"Đi tới các nhà máy gia công quần áo tại các tỉnh quanh Hà Nội nhìn thấy vải thừa nhiều vô kể. Số vải đó toàn bán thanh lý ra ngoài với giá hơn chục ngàn đồng/kg nhìn tiếc vô cùng", chị cho biết.

Thấy vậy, chị nghĩ sao mình không đặt các xưởng gia công may luôn cho mình quần áo từ vải thừa. Làm như vậy vừa tận dụng được vải thừa, nhà xưởng vừa tăng được thu nhập cho công nhân mà chị lại có hàng bán ra cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Quyết định buôn "vàng đỏ", chị một mình lặn lội sang Iran tìm nguồn hàng

May sao, khi thuyết phục các nhà máy, họ đều gật đầu đồng ý. Từ đó, chị có một nguồn hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu ổn định cung cấp ra thị trường và bắt đầu đăng bán trên các diễn đàn mạng xã hội.

Tiếng lành đồn xa, hàng hóa chất lượng nên khách hàng ùn ùn kéo đến đặt mua. Từ bán lẻ, chị thành đơn vị phân phối hàng lớn. Các sản phẩm làm ra được trưng bày tại các cửa hàng thời trang lớn trên phố.

Đến nay, hơn 9 năm làm trong nghề thời trang may mặc hàng Việt Nam xuất khẩu, chị có khoảng 60.000 khách hàng thân thiết suốt từ Bắc vào Nam. Mỗi tháng, doanh thu từ bán lẻ khoảng 4 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ các đơn hàng bán buôn.

Rẽ sang thành trùm buôn "vàng đỏ"

Công việc buôn bán thời trang khá thuận lợi cho đến cuối năm 2015, lúc đó chị quyết định mở một showroom ở Trần Xuân Soạn để trưng bày hàng thời trang với chi phí thuê cửa hàng 200 triệu đồng/tháng.

Áp lực công việc thật sự lớn vì đã vào những ngày cận Tết Nguyên đán, nếu công việc sửa chữa chỉ cần hoàn thành chậm 10 ngày thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nặng. Vì thế khi đó, chị phải làm ngày làm đêm, lo lắng không ngủ được, người như bị stress, mặt mũi phờ phạc,…

"Thấy tôi như thế, bạn tôi đi du lịch ở Trung Đông về có tặng một ít Saffron để uống vì tốt cho sức khỏe. Nhưng nói thật là bạn tặng mình thấy trân quý nên uống thôi chứ cũng không tin có công dụng của nó như tiên được", chị kể.

Sau 2 tháng, chị thấy kết quả bất ngờ. Da mặt đẹp, tinh thuần thoải mái hơn và chị tìm mua về uống tiếp nhưng thấy trên thị trường toàn hàng xách tay với giá vô cùng đắt đỏ nên không mua nữa.

Sáu tháng vất vả ngược xuôi, chị Hòa đã đưa được loại gia vị đắt nhất thế giới, được ví như "vàng đỏ" về Việt Nam

Bẵng đi một thời gian, vào giữa năm 2017, chị được con dâu của một vị đại sứ Việt Nam ở Iran tặng thêm một ít Saffron để uống và thấy đúng là thứ mình đang cần tìm. Sau đó, chị quyết định tìm hiểu mặt hàng này để đưa về Việt Nam bán với mong muốn đem mặt hàng tốt nhất về cho dân Việt dùng.

Nhưng, để làm được việc này là khá khó khăn vì Iran bị Mỹ cấm vận, mọi việc từ cung cấp giấy tờ đến đáp ứng các yêu cầu của Bộ Y tế trước khi nhập vào Việt Nam khó khả thi. Chị phải bay sang tận Iran, tới tận vùng sản xuất để tìm hiểu.

Chị bảo: "Trước khi đi lo lắng lắm. Bố mẹ lo, chồng lo bởi Iran nằm gần các nước đang có chiến sự, tôi lại một thân một mình con gái lặn lội sang đó. Cũng may có anh bạn là người Iran giúp đỡ đặt hộ cho từ vé máy bay tới phòng khách sạn. Anh ấy còn nghỉ việc hẳn một tuần để đưa tôi và một người bạn của tôi tới vùng sản xuất Saffron".

Chuyến đi thành công khi chị thuyết phục được một nhà máy sản xuất safaron organic bán hàng cho chị mặc dù mới đầu họ cũng hồ nghi về năng lực của chị, về thị trường Việt còn mới mẻ. Song, đó là bên phía Iran, còn ở Việt Nam, để có đủ thủ tục giấy tờ cần thiết đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ Y tế chị cũng rất vất vả.

"Không chỉ mất thời gian làm thủ tục, mỗi lần gửi mẫu hàng đi test tôi mất hẳn 3 lạng Saffron. Test tổng cộng 3 lần tôi mất khoảng 1kg. Mà 1kg loại hàng này giá gần nửa tỷ"., chị chia sẻ. Sau 6 tháng, cuối cùng chị cũng đưa được loại "vàng đỏ" này về bán tại thị trường Việt Nam theo con đường chính ngạch.

Hiện chị có hơn 30 đại lý, với lượng hàng bán ra mỗi tháng lên tới 4.000-5.000 sản phẩm, trở thành trùm buôn "vàng đỏ" lớn nhất Việt Nam. Các khách hàng cũng phản ứng khá tốt và ngày càng nhiều khách tìm đến hơn.

"Khách hàng khoe không chỉ làm trà uống đâu, họ còn dùng vào rất nhiều món ăn như nấu cơm, nấu xôi cũng cho vài sợi safaron để tạo màu vàng, rồi làm bánh,… ". Theo chị Hòa, Việt Nam là thị trường khá mới và nhiều tiềm năng. Năm 2018, chị dự tính mỗi tháng sẽ bán được 15-20kg "vàng đỏ" ra thị trường.

Nguồn: vietnamnet

 

Thảo luận