Bộ Công an lên tiếng vụ vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỷ đồng

Bộ Công an đã lên tiếng sau vụ vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỉ đồng gây chấn động dư luận.
Sputnik

Chiều 12-4,  đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an cho biết chưa nhận được đơn của ông Diệp Khắc Cường — Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC) và các nạn nhân tố cáo bị lừa đảo liên quan đến đồng tiền ảo iFan.

Vỡ đường dây tiền ảo 15.000 tỷ: Chỉ tại lòng tham!

"Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được đơn tố cáo của bất kỳ cá nhân nào bị lừa đảo liên quan đến đồng tiền ảo iFan. Riêng C50 vẫn đang xác minh để điều tra theo đúng quy định của pháp luật", đại diện C50 thông tin.

Theo đại diện C50, thời điểm trước Tết Nguyên đán các trinh sát đã thâm nhập vào cộng đồng tiền ảo iFan để thu thập thông tin. Sau đó, C50 đã có kiến nghị đến Thủ tướng, lãnh đạo các bộ — ngành để có hình thức quản lý đối với loại tiền ảo này. C50 đã cảnh báo, tuyên truyền nhưng do lòng tham nên nhiều người đã bất chấp quy định của pháp luật để tham gia.

Đây là hình thức không được pháp luật bảo vệ vì cộng đồng người nước ngoài không đăng ký tại Việt Nam và họ lấy danh nghĩa là người nước ngoài nhưng thực tế là không có tư cách pháp nhân. Ngoài ra, đồng tiền này cũng không có quy định ràng buộc hay giá trị để thanh toán tại Việt Nam.

Ảnh "tự sướng" của GS Sơn, lòng tham và bài học từ hai đứa trẻ
Chính vì không được coi là phương tiện thanh toán nên không có chế tài để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia. Vị đại diện C50 thông tin thêm thời gian qua đã khám phá một số vụ liên quan đến tiền điện tử và tiền kỹ thuật số.

"Chúng tôi đã cảnh báo rủi ro về loại đồng tiền ảo này nhưng nhiều người vẫn bất chấp tham gia để rồi bị lừa mất hết tiền bạc", đại diện C50 nói.

Trước đó, hàng chục nhà đầu tư tố bị nhóm dự án tiền ảo iFan và Công ty Modern Tech lừa đảo chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Cường cho rằng mình là nạn nhân chứ không có chuyện hợp tác với dự án iFan. Ông Cường khẳng định trước đó, khi phát hiện sự việc nhóm cổ đông iFan dùng hình ảnh của ông và các ca sĩ nổi tiếng để quảng bá, bán tiền kỹ thuật số (coin) thì ông không còn hợp tác với iFan.

Hàng chục nhà đầu tư cầu cứu vì bị lừa liên quan đến đồng tiền ảo iFan

Trong khi đó, một số nhà đầu tư cho rằng thấy hình ảnh ông Cường tại các buổi diễn thuyết của iFan nên tin tưởng vào dự án và đã đầu tư mua coin.

"Tôi biết có nhà đầu tư đã bỏ tới 45 tỉ đồng vào dự án này khi thấy mức lãi suất quá hấp dẫn, từ 45%-48%/tháng" — anh Giang, một nhà đầu tư, phản ánh.

Được biết, ngoài ông Cường, có hơn 50 nhà đầu tư bị lừa đảo đang tập hợp đơn tố cáo để gửi cho cơ quan CSĐT Bộ Công an nhờ can thiệp.

Theo: NLĐ

Thảo luận