Theo China Daily, trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai tại Việt Nam, mọi sự chú ý đang dồn vào việc liệu Washington có dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng hay không.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều vào tuần tới giữa ông Trump và ông Kim sẽ có ý nghĩa quyết định. Cả hai bên dự kiến sẽ thúc đẩy các động thái hữu hình hơn nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp lần hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ — Triều sẽ được coi là đạt được "bước ngoặt" nếu Washington đồng ý dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng, để đổi lại việc Bình Nhưỡng thực hiện các bước cụ thể hơn nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa.
Ngày 18/2, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng một bài xã luận nói rằng đất nước này hiện đang đối mặt với "bước ngoặt lịch sử quan trọng".
"Đã đến lúc chúng ta phải thắt chặt dây giày và chạy nhanh, tìm kiếm mục tiêu cao hơn khi đang đối mặt với thời điểm quyết định này", tờ báo đưa tin, mà không nêu rõ liệu đó có phải là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai hay không.
Quyết tâm phát triển kinh tế của ông Kim Jong Un
Ông Kim Chang-son, một quan chức cấp cao của Ủy ban Các vấn đề Nhà nước của Triều Tiên, được cho là đã tới thăm nhà máy điện thoại thông minh của Samsung Electronics tại Việt Nam hôm 17/2. Ông là người phụ trách nghi thức ngoại giao trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần đầu ở Singapore.
Theo Reuters, ông Kim sẽ đến Việt Nam vào ngày 25/2 trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai diễn ra và thăm cơ sở sản xuất Việt Nam tại Bắc Ninh và thành phố cảng Hải Phòng. Dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Samsung cũng được đặt tại Bắc Ninh.
Các chuyên gia cho biết chuyến thăm này, nếu diễn ra, sẽ phản ánh ý chí mạnh mẽ của Bình Nhưỡng về phát triển nền kinh tế. Nó cũng gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng nước này đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài.
"Chuyến thăm của ông Kim có thể cho thấy Triều Tiên quan tâm đến mô hình cải cách của Việt Nam. Nó đồng thời gửi một thông điệp rằng Bình Nhưỡng muốn nhận được đầu tư từ các công ty toàn cầu, như Samsung," hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Yang Moo-jin, một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, cho biết.
Vì sao được dỡ bỏ trừng phạt là bước ngoặt với Triều Tiên?
Yonhap nhận định, Triều Tiên có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, nắm giữ phần lớn tài nguyên khoáng sản của bán đảo. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này vốn khó khăn lại tiếp tục gặp nhiều thách thức do phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Wang Junsheng, một chuyên gia tại Viện Chiến lược Quốc tế Quốc gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng ông Kim đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ trong bài phát biểu năm mới 2019 của mình rằng ông muốn phát triển nền kinh tế của đất nước và cốt lõi của điều đó phụ thuộc vào việc Triều Tiên có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế hay không.
Ông Wang nói rằng, "chìa khóa" để Triều Tiên thoát khỏi các lệnh trừng phạt nằm trong tay Mỹ và con đường mà Bình Nhưỡng lựa chọn.
"Nếu tiếp tục tham vọng hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới, nhưng sẽ đi ngược lại làn sóng của thời đại khi sự phổ biến hạt nhân bị phản đối mạnh mẽ. Nếu làm vậy (tiếp tục tham vọng hạt nhân), Triều Tiên có rất ít khả năng được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Mỹ giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nếu như vậy, Triều Tiên khó chuyển trọng tâm chiến lược sang phát triển kinh tế", chuyên gia này nhận xét.
"Mặt khác, Mỹ gần như chắc chắn sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc, đẩy bán đảo căng thẳng hơn. Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực quân sự từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, và môi trường an ninh sẽ khó được cải thiện".
Sự lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai có lẽ là cách để Washington gửi thông điệp rằng ông Kim nên đi theo con đường thịnh vượng của Việt Nam.
Tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông Trump tin rằng Triều Tiên có thể "tái tạo" "sự thịnh vượng tưởng như không thể xảy ra và quan hệ đối tác" mà Mỹ đã có với Việt Nam ngày nay.