Đúng 9 giờ ngày 30.6, sau khi thuyền trưởng Quách Công Trạng thực hiện thao tác cho chiếc phà mang tên “Việt Đan 7” xoay một vòng trên sông Hậu, như lời chào cuối cùng, là phần nghi thức lễ kết thúc hoạt động của cụm phà Vàm Cống sau hơn thế kỷ hình thành và phát triển.
Ông Nguyễn Việt Hưng – Chủ tịch CĐ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thành – Cục trưởng Cục quản lý đường bộ IV đến dự và chia sẻ với CNVCLĐ.
Trong không khí trang trọng và đầy quyến luyến, ông Lê Văn Mười - Giám đốc Cụm phà Vàm Cống - ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của đơn vị. Sau hơn trăm năm hình thành, PVC đã không ngừng lớn mạnh và phát triển.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, phà Vàm Cống đã không ngừng lớn về quy mô, mạnh về công nghệ, đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước.
Tọa lạc trên địa phận TP. Long Xuyên (An Giang), huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), sau 44 năm thống nhất đất nước, từ chỗ chỉ có 2 bến và 4 phà với quy mô nhỏ, đến nay phà Vàm Cống có 162 CNVCLĐ làm việc, với 10 phà, trong đó có 8 phà 200 tấn và 2 phà 100 tấn...
Tại mỗi bến đều có 1 bến chính, 01 bến phụ, đảm bảo thông suốt việc đi lại qua sông Hậu giữa các địa phương An Giang – Đồng Tháp – Kiên Giang và một phần TP. Cần Thơ, cũng như giao thông trên tuyến Quốc lộ 80...
Ngày 19.5.2019, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền tỉnh Đồng Tháp – TP. Cần Thơ, mở ra diện mạo mới cho mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL. Với tính năng hiện đại – tiện ích, phù hợp với nhu cầu phát triển thời kinh tế thị trường của cầu Vàm Cống, phà Vàm Cống đã chính thức hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.