Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 19 tháng 9 đã báo cáo rằng: “kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính trong bối cảnh kinh doanh và đầu tư bị cản trở bởi tranh chấp ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ gây thiệt hại nhiều hơn nữa trong những năm tới”.
Như tác giả nhận xét, tin tức này chắc chắn không tốt cho Tổng thống Donald Trump, người sẽ có một năm khó khăn khi ông cố gắng tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Vị tổng thống Mỹ cuối cùng chơi “con bài thuế quan” là Herbert Hoover. Chính ông là người đã ký luật thuế quan Smoot-Hawley và phải trả giá đắt cho cuộc bầu cử năm 1932, bài báo viết.
Hiện giờ, Donald Trump dường như đang tìm cách thoát khỏi chiến lược hành vi cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc. Câu hỏi lớn là: Bắc Kinh có động cơ nghiêm túc để giúp tổng thống Mỹ hay ông sẽ sử dụng chiến thuật đợi thời để ký kết giao kèo tốt hơn với người kế nhiệm có thể từ phe Dân chủ sau cuộc bầu cử năm 2020?
Sự không nhất quán của Trump
Phong cách đàm phán gây tranh cãi của Trump dường như bây giờ đã đặt ông trước một vấn đề nan giải. Mặc dù cơ sở chính trị của ông rất thích xem “trận đánh Trung Quốc”, nhưng liệu họ sẽ tiếp tục ủng hộ tổng thống bất chấp hậu quả kinh tế đau đớn từ những động thái của ông hay không?
Phong cách đàm phán của Trump, được mô tả trong cuốn sách nổi tiếng thập niên 1980 “Nghệ thuật đàm phán”, cung cấp một cách tiếp cận cứng rắn đối với bất động sản ở New York. Bản chất của nó là xác định các lỗ hổng của kẻ thù và thắng lợi từ đó. Phong cách này với tính chất đặc trưng bởi cách cư xử mà khi bạn hành động mạnh mẽ, đẩy hoàn cảnh đến tình huống gần như tuyệt vọng, và sau đó quay lại với hy vọng rằng nhờ sự đe dọa đó, đối thủ của bạn sẽ đồng ý với một thỏa thuận có lợi cho bạn hơn anh ta.
Trong chính cuốn sách, Trump mô tả cách đàm phán của mình như sau: "Phong cách của tôi đàm phán khá đơn giản và thẳng băng. Tôi đặt mục tiêu rất cao, và sau đó tôi tiếp tục gây áp lực để đạt được những gì tôi đang hướng tới".
Trump, người không bao giờ khiêm tốn, cũng tuyên bố trong cuốn sách của mình rằng ông đã đọc hàng trăm cuốn sách về Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
“Tôi biết người Trung Quốc. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền với người Trung Quốc và tôi hiểu cách suy nghĩ của họ”, - Tổng thống Mỹ nói.
Đặc điểm của các nhà đàm phán Trung Quốc
Dennis Halpin viết rằng vào những năm 1990, ông làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Và cả khi đó, cách tiếp cận đàm phán với Trung Quốc khác biệt rõ rệt với phong cách quyết đoán hiện tại của Trump. Hầu hết các nhà đàm phán Trung Quốc vốn dĩ là những người giao dịch khéo léo, sẵn sàng kết thúc giao dịch theo kiểu “tay này rửa tay kia”, khi họ cố gắng duy trì mức độ cần thiết và cả hai bên đều có thể rời đi, mà “vẫn giữ thể diện”.
“Tôi sẽ không bao giờ quên một sự cố xảy ra khi tôi làm tổng lãnh sự ở Bắc Kinh. Tôi tiến hành đàm phán với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để cấp thị thực cho một người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng muốn đến thăm một thành viên gia đình đang bị bệnh nặng, nhưng Bắc Kinh đã cấm cô ấy nhập cảnh vì các hoạt động nhân quyền của cô ấy. Chúng tôi đã thực hiện một thỏa thuận đằng sau cánh cửa đóng kín, và nữ công dân Hoa Kỳ đã có thể nhìn thấy lần cuối người chú đang hấp hối của mình”, - Halpin viết.
Ngược lại, cách tiếp cận của Trump, bao gồm các tweet hào hoa và bất ngờ lan truyền 180 độ trong các yêu cầu đàm phán, khiến nhiều người Trung Quốc nhớ đến sự nhạo báng dã man của phương Tây về Trung Hoa trong thời kỳ "thế kỷ sỉ nhục" của Trung Quốc.
Thái độ bợ đỡ trước sự man rợ phương Tây, rõ ràng, không thể được coi là một lựa chọn chấp nhận được đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tác giả lưu ý rằng ông đã hỏi một người bạn Trung Quốc rằng liệu có thể có các cuộc biểu tình như các sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn hay không nếu ông Tập đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump.
“Điều đó không cần thiết,- người quen đã trả lời ông. Những vị tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ bắn ông ta vì tội phản quốc”.
Sự tin tưởng dường như của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng họ có thể đánh bại Trump trong trò chơi của chính ông bắt nguồn từ một khái niệm văn hóa khác của Trung Quốc về “ăn cay nuốt đắng” - 吃苦 (theo bính âm - chīkǔ). Hiện giờ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tham gia vào một cuộc đối đầu, có khả năng có thể biến thành kích cỡ cực lớn, ngoài ra, sau ba thập kỷ tương tác chặt chẽ, giữa họ đang xảy ra rạn nứt mối quan hệ. Kết quả của tất cả những điều này có thể là hậu quả kinh tế sẽ tấn công cả hai phía Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc tự tin rằng thậm chí 400-500 triệu người Trung Quốc, tức là khoảng một phần ba dân số của Trung Hoa, sống ở các thành phố ven biển và tự xưng là tầng lớp trung lưu, sẽ dễ dàng chịu đựng những khó khăn của việc “ăn cay nuốt đắng” hơn là những người Mỹ “mềm oặt”.
Bắc Kinh đã giáng một đòn trả đũa chiến lược vào Trump và những nơi đau đớn nhất. Ví dụ, thông qua các mức thế quan trả đũa, Trung Quốc đã đánh vào những người nông dân ủng hộ Trump ở các bang quan trọng như Iowa và Wisconsin, là những địa phương cần thiết để ông có hy vọng tái đắc cử.
“Văn bản thích hợp cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể không phải là “Nghệ thuật đàm phán” của Trump, mà là tác phẩm kinh điển hai nghìn năm tuổi “ Binh pháp” của tướng Tôn Tử. Như nhà binh pháp Tôn Tử đã khuyên: "Nếu đối thủ của bạn có tính khí thất thường, hãy tìm cách chọc tức anh ta". Hãy giả vờ yếu đuối để anh ta trở nên kiêu ngạo”,- Dennis Halpin viết trong phần kết luận của bài báo cho tờ The National Interest.