“Sự thiếu chắc chắn liên quan đến số phận của Hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược đang gây lo ngại”, ông Nebenzya nói.
"Những lời kêu gọi gia hạn START dành cho Nga là sai địa chỉ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Hoa Kỳ gia hạn Hiệp ước START mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đang chờ câu trả lời", đại sứ nhấn mạnh.
Theo ông, việc gia hạn hiệp ước sẽ là một bước đi sáng suốt giúp ngăn chặn khả năng tình hình trong lĩnh vực ổn định chiến lược có thể xuống cấp hơn nữa, tránh để cơ chế kiểm soát và hạn chế trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân sụp đổ hoàn toàn, dành thời gian để thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí và công nghệ quân sự mới.
Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) được ký năm 2010, hiện là hiệp ước duy nhất tồn tại giữa Nga và Mỹ về hạn chế vũ khí. Hiệp ước này sẽ hết thời hạn hiệu lực vào tháng 2 năm 2021. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng nói về mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng này.
Trong khi đó Giám đốc Vụ các vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc BNG Nga Vladimir Ermakov nói với Sputnik rằng vấn đề tiếp tục cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược không thể thiếu sự tham gia của Anh và Pháp.
Hiệp ước giữa Nga và Mỹ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2 năm 2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và tiếp tục về sau, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm, tên lửa đạn đạo trên máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị mang phóng đã được triển khai và chưa được triển khai. Thỏa thuận cũng bắt buộc Nga và Mỹ phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện mang phóng 2 lần mỗi năm. Ngày 5 tháng 2 năm 2018 là hạn chót mà Nga và Hoa Kỳ cần đạt được những chỉ tiêu kiểm soát theo quy định của START-3.