“Chúng tôi đang đàm phán với chính quyền Nga. Tại những cuộc gặp gỡ này thảo luận về chủ đề kiểm soát vũ khí, bao gồm Hiệp ước START và sáng kiến của chúng tôi định đưa Trung Quốc tham gia. Theo như tôi hiểu, phía Nga về nguyên tắc không phản đối sự tham gia của Trung Quốc, song họ cho rằng Washington mới là bên cần thuyết phục Bắc Kinh tham gia đàm phán về chủ đề đó. Chúng tôi đang tích cực tiến hành việc này”, ông Sullivan nói trong cuộc phỏng vấn với báo Kommersant.
Ông lưu ý rằng trong Chiến lược an ninh của Hoa Kỳ nói rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với Hoa Kỳ.
“Tôi cảm thấy điều này cũng đáng để Nga quan tâm. Do đó, chúng tôi cho rằng việc đưa Trung Quốc tham gia đàm phán về an ninh chiến lược không chỉ đáp ứng lợi ích của chúng tôi, mà cả lợi ích của Nga”, ông Sullivan nhấn mạnh.
Theo ông, việc đưa Anh và Pháp tham gia quá trình này không mấy phù hợp.
“Chúng tôi không phản đối việc đưa họ tham gia đàm phán. Nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng tôi là Trung Quốc nên tham gia. Chính quyền Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không cố gắng ngang bằng với Hoa Kỳ hoặc Nga. Nếu vậy, chúng tôi hy vọng rằng ở Bắc Kinh họ sẽ thấy lợi ích khi thỏa thuận với Washington và Moskva trong khuôn khổ tam giác ba cường quốc hạt nhân, từ đó sẽ phác thảo nên bộ khung của hệ thống kiểm soát vũ khí trong thập niên tới. Và nó sẽ rất khác so với thập niên trước đó, khi Hiệp ước START bây giờ được ký kết”, đại sứ nói.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) được ký năm 2010, hiện tại vẫn là thỏa thuận duy nhất có hiệu lực giữa Nga và Hoa Kỳ về hạn chế vũ khí. Thỏa thuận sẽ hết thời hạn hiệu lực vào tháng 2 năm 2021, song cho đến nay chính quyền Mỹ chưa tuyên bố liệu Washington có ý định gia hạn hay không.
Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Mỹ về An ninh Quốc gia John Bolton cho biết START-3 khó có thể được gia hạn vì nó có khiếm khuyết. Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng thảo luận về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng ông mong muốn lập ra một thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ ý tưởng nói trên.