Theo báo cáo của IMF, 45 quốc gia với thu nhập thấp đã nộp đơn vào quỹ hỗ trợ tài chính khẩn cấp để chống lại đại dịch coronavirus.
Theo các chuyên gia được CNBC (Mỹ) trích dẫn, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tấn công vào gần như tất cả các quốc gia, vì đây là mối đe dọa đối với cuộc sống tất cả người dân trên thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia có những khả năng khác nhau để chống lại tai họa này. Theo Giáo sư Tài chính Raghuram Rajan tại Trường Kinh doanh Đại học Chicago, các nước phát triển có nhiều năng lực tài chính hơn so với phần còn lại của thế giới.
Các nước phát triển đã áp dụng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, phân bổ tới 20% GDP để hỗ trợ nền kinh tế và ổn định tài chính. Các nước đang phát triển không thể làm như vậy, trong trường hợp tốt nhất, họ phân bổ 5% GDP. Nhưng, trong đa số trường hợp, các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế không vượt quá 1% GDP. Giáo sư Rajan nhấn mạnh rằng, các cường quốc phát triển không quan tâm nhiều tới các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, do nguồn lực tài chính bị hạn chế, các nước đang phát triển không thể tự mình đối phó với tình hình hiện tại. Nhiều quốc gia đang đối mặt nguy cơ tỷ lệ nợ công so với GDP tăng gấp bội, và điều này sẽ đe dọa sự ổn định tài chính trong bối cảnh tình hình vốn rất nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng Covid-19.
Dữ liệu thống kê của IMF xác nhận rằng, nợ công các nước đang phát triển đang trên đà gia tăng mạnh mẽ. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 6 (World Economic Outlook), 45 quốc gia đã nộp đơn cho Quỹ xin hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Theo tính toán của IMF, mức nợ công ở các quốc gia này sẽ lên tỷ trọng trung bình 48% GDP trong năm tài khóa 2020-2021. Đồng thời, nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế chỉ ra rằng, khi dư nợ nước ngoài chạm mức 60% GDP, tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu suy giảm 2%.
Bộ trưởng cấp cao của Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam đã nói rằng, phần lớn tăng trưởng GDP của thế giới - khoảng hai phần ba của tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu - đến từ các nước đang phát triển. Theo ông, bây giờ có một mối đe dọa thực sự: các quốc gia đang phát triển có thể chuyển sang trạng thái suy thoái. Trong trường hợp này, toàn bộ sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa. Về phần mình, Giáo sư Rajan nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên bắt đầu đóng một vai trò xây dựng và hàng đầu trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển vì lợi ích chung. Theo ông, nếu không có sự trợ giúp của các quốc gia phát triển thì không thể giải quyết các vấn đề của sự tăng trưởng toàn cầu.
Quan hệ Mỹ-Trung tác động đến toàn thế giới
Trung Quốc và Hoa Kỳ có tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển của phần còn lại của thế giới. Do đó, tình hình ở các quốc gia khác phụ thuộc trực tiếp vào mối quan hệ Trung - Mỹ. Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ thiết lập sự hợp tác, điều đó sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Đáng tiếc, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần đây đã vào vòng xoáy xuống, - ông Jiang Yuechun, Giám đốc Trung tâm Kinh tế và Phát triển Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói với Sputnik.
"Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Khi hai bên hợp tác hiệu quả, điều đó góp phần tích cực vào sự thịnh vượng và ổn định kinh tế trên thế giới. Mặt khác, khi hai bên cạnh tranh gay gắt, điều đó chắc chắn có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thế giới. Trong tình hình hiện nay, kể cả trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hoặc cuộc chiến chống lại dịch bệnh, Hoa Kỳ có cách tiếp cận cực kỳ tiêu cực đối với Trung Quốc. Tôi cho rằng, lập trường này của Hoa Kỳ chỉ làm cho tình hình toàn cầu trở nên phức tạp hơn".
Theo chuyên gia Jiang Yuechun, Trung Quốc đang cố gắng đóng vai trò xây dựng để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus ở nước mình, điều đó tạo nguy cơ đe dọa trước hết nền kinh tế Mỹ và do đó đe dọa không chỉ sự phát triển của Hoa Kỳ mà cả các quốc gia khác.
"Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất để đối phó với Covid-19 và đã thu được kết quả tích cực. Ngoài ra, Trung Quốc đã tập trung nỗ lực tối đa để cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia khác, kể cả trong lĩnh vực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh hay điều trị bệnh nhân và cung cấp vật tư y tế. Tuy nhiên, chúng tôi không thể không lo ngại trước việc Hoa Kỳ không thể đối phó một cách thỏa đáng với dịch bệnh. Số người nhiễm bệnh ở Mỹ đang gia tăng và điều này đe dọa không chỉ quá trình đưa Hoa Kỳ trở lại cuộc sống bình thường mà còn cả sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, Hoa Kỳ tác động tiêu cực tới sự hợp tác quốc tế. Ví dụ, Washington đã từ chối hỗ trợ WHO vào thời điểm quan trọng nhất khi cả thế giới đang chiến đấu với dịch bệnh. Nói chung, chúng tôi không thấy những bước tích cực nào từ phía Hoa Kỳ trong sự hợp tác với các nước khác. Mỹ là một cầu thủ lớn trong cộng đồng quốc tế và họ phải áp dụng các biện pháp hiệu quả vào thời điểm toàn thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng".
Các chuyên gia được phỏng vấn bởi CNBC đặt hy vọng vào cuộc bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ. Theo ý kiến của họ, tháng 11 sẽ là một bước ngoặt khi hai nước có thể nối lại cuộc đối thoại. Tuy nhiên, sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Mỹ về các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc khiến người ta nghi ngờ rằng, việc thay đổi cán cân quyền lực ở Washington sẽ giúp ngăn chặn sự sụt giảm mạnh trong mối quan hệ giữa hai nước. Trong chiến dịch vận động tranh cử, cả Biden và Trump đều đưa ra những tuyên bố về mối đe dọa từ phía Trung Quốc để biện minh cho những thất bại trong nền kinh tế, trong lĩnh vực xã hội và chính trị. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, đùn đẩy trách nhiệm cho nước khác sẽ không giúp ích gì cho sự nghiệp chung trong cuộc chiến chống lại đại dịch và sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Và các chuyên gia cũng nhấn mạnh điều này. Cần phải gác lại bất đồng, ít nhất là trong một thời gian, để bắt tay hợp tác.