Đe doạ toàn thế giới
Tác giả bài báo nhắc nhở về cuộc huấn luyện phóng tên lửa xuyên lục địa từ tàu ngầm của Nga ở biển Okhotsk. Khi đó, tại căn cứ không quân của Mỹ ở Đức đã phát tín hiệu báo động như là có cuộc tấn công tên lửa thực thụ.
Theo quan điểm của tờ báo Đức, trường hợp này cho thấy Hoa Kỳ không loại trừ khả năng xảy ra cuộc tấn công tên lửa vào châu Âu và do đó luôn nơm nớp trong tình trạng báo động. Đồng thời, họ thừa nhận rằng do tốc độ của vũ khí, thậm chí có nguy cơ «không kịp báo động».
«Với sự xuất hiện của thứ gọi là vũ khí siêu thanh, các hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ chống tên lửa trước đây đang tỏ ra vô dụng, còn thời gian dành cho phản ứng đang rút ngắn đáng kể», - bài báo nhận xét.
Các chuyên gia phân tích của Trung tâm chính sách đối ngoại ở Berlin cho rằng vũ khí siêu thanh có khả năng làm đảo lộn cán cân sức mạnh giữa các cường quốc hạt nhân và cản trở đàm phán giải trừ quân bị.
Ai là thủ lĩnh chế tạo vũ khí siêu thanh
Theo đánh giá của các chuyên gia Đức, chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh là Nga và Trung Quốc, còn Hoa Kỳ đang «cố hết sức» để thu hẹp khoảng cách tụt hậu. Đồng thời, báo lý giải rằng Tổng thống Vladimir Putin có vẻ chẳng lo lắng gì trước những sáng chế của Hoa Kỳ, là bởi Nga sẵn có phương tiện đối phó hiệu quả là hệ thống tên lửa phòng không S-500 và «một số loại tên lửa đánh chặn đã được cải tiến».