Sputnik đã tìm hiểu vấn đề này tại Viện Nghiên cứu khoa học toàn Nga về Đo lường kỹ thuật vật lý và kỹ thuật vô tuyến, trong đó có cơ quan nhà nước về thời gian, tần số và xác định thông số vòng quay Trái đất.
"Trong những thập niên gần đây độ dài thời gian “vòng quay” một ngày đêm của Trái đất dài hơn thời gian một ngày đêm đo bằng đồng hồ nguyên tử. Do đó, trung bình cứ một năm rưỡi phải cộng thêm một giây vào thang thời gian UTC (Giờ phối hợp quốc tế). Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây, độ dài thời gian một ngày đêm UT1 (thang thời gian được xác định bởi vòng quay của Trái đất ) xấp xỉ bằng khoảng thời gian của một ngày đêm theo đồng hồ nguyên tử, nên không nhất thiết phải bổ sung thêm một giây nhuận vào thang thời gian UTC. Nếu tốc độ quay của Trái đất vẫn tiếp tục diễn biến như vậy thì có thể không cần thêm giây thứ hai vào thang thời gian UTC mà thậm chí còn phải trừ đi", - các cán bộ của viện khoa học giải thích với Sputnik.
Cụ thể, các nhà khoa học đã bình luận về thông tin của một số phương tiện truyền thông nói rằng do tốc độ quay của Trái đất nên năm 2020 ghi nhận có đến 28 ngày ngắn nhất trong lịch sử quan sát (kể từ năm 1960), và vào ngày 19 tháng 7, thời gian một ngày đêm ngắn hơn bình thường ở mức kỷ lục là 1,4 mili giây.
Năm 2021 dự kiến sẽ còn ngắn hơn nữa.
Kể từ năm 1972 đến nay, tổng cộng có 27 giây đã được thêm vào giờ quốc tế UTC trong những năm khác nhau để bắt kịp thời gian tính theo vòng quay một ngày đêm của Trái đất.
"Bước nhảy" thời gian đầu tiên được thêm vào là ngày 01/7/1972, lần gần đây nhất đồng hồ thế giới thêm một giây thời gian là nửa đêm 31/12/2016 chuyển sang ngày 01/1/2017.