Sau thép không gỉ cán nguội, ống đồng, lốp xe, Bộ Thương mại Mỹ lại kết luận sơ bộ vụ việc điều tra sợi dún polyester PTY Việt Nam bán phá giá từ 2,67 đến 22,82%.
Gỗ và hàng nội thất Việt Nam hiện nay cũng chịu sức ép rất lớn khi xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ áp dụng loạt lệnh trừng phạt, biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc.
Mỹ áp thuế chống bán phá giá sản phẩm sợi dún polyester (PTY) của Việt Nam
Mỹ vẫn chưa thôi ‘dòm ngó’ Việt Nam. Dường như, việc Hà Nội được hưởng lợi thế nhất định từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có vẻ khiến giới cầm quyền Washington không mấy hài lòng.
Có một nghịch lý vẫn tồn tại trên thị trường thế giới bấy lâu nay – càng bán được nhiều, càng dễ bị kiện. Hàng Việt Nam càng xuất khẩu mạnh, tỷ trọng cao, thâm nhập, chiếm lĩnh nhiều thị trường, càng dễ bị kéo vào loạt sự vụ về phòng hộ, bảo hộ thương mại thời hội nhập kinh tế.
Sau kết luận điều tra bán giá lốp xe ô tô và xe tải hạng nhẹ, thép không gỉ cán nguội, hạt nhựa, ống đồng, hay thậm chí là cả…mật ong, nhiều mặt hàng hàng quan trọng, chủ lực, mũi nhọn khác của Việt Nam tiếp tục rơi vào “tầm ngắm” của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Vụ việc sợi dún polyester (PTY) hay gỗ, các sản phẩm nội thất Việt là một điển hình.
Ngày 31/5, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương cho biết, phía Việt Nam đã nhận được thông tin việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (PTY) của Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Theo Bộ Công Thương, trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt Nam được phía nhà chức trách Hoa Kỳ xác định biên độ phá giá ở mức từ 2,67% đến 22,82%.
Theo quy định của chính quyền Washington, sau khi ban hành kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Mỹ có thể tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp trong thời gian tới để xác minh lại các thông tin đã gửi trong bản trả lời câu hỏi. Đây là quy trình mà giới chức trách Hoa Kỳ vẫn thường làm trong các vụ việc tương tự trước đây.
Tuy nhiên, đối với bối cảnh lần này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Mỹ thông báo sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ mà yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung để thẩm tra số liệu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Do đó, trong thời gian tới, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sợi dún PTY liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đầy đủ với cơ quan điều tra và Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương “để đảm bảo kết quả tích cực”, có lợi cho phía Việt Nam (một khi DOC ban hành kết luận điều tra).
Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá sợi dún polyester (PTY) của Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan kể từ tháng 11/2020.
Cụ thể, DOC khởi xướng điều tra từ ngày 17/11/2020 và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vụ việc này trước ngày 9/10/2021.
Loạt các sản phẩm sợi dún PTY bị điều tra của Việt Nam gồm các mã HS: 5402.33.3000 và 5402.33.6000. Đáng chú ý, trong giai đoạn Hoa Kỳ thông báo tiến hành điều tra từ 01/4/2020 – 30/9/2020, biên độ bán phá giá cáo buộc là 54,13%.
Số liệu thống kê của cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu PTY của Việt Nam sang thị trường này trong 3 năm từ 2017 đến 2019 lần lượt đạt 490.000 USD, 778.000 USD và 4,5 triệu USD. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 8,7 % tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ tháng 9/2019 – tháng 8/2020.
Ngoài Mỹ, vừa qua, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp nhận đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, hồi năm 2020 Thổ nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm sợi từ polyester có mã HS 5503.20.00.
Gỗ, nội thất Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ Mỹ
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu gỗ, nội thất lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ. Tất nhiên, xu hướng phát triển này không tránh khỏi “sự quan ngại” của các nhà chức trách xứ sở cờ hoa.
Nghiên cứu mà tạp chí Furniture Today công bố cho thấy, Việt Nam đã “thế chân” Trung Quốc trở thành nhà cung cấp đồ gỗ nội thất lớn nhất cho thị trường Mỹ. Đây được đánh giá là một trong những sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhập khẩu đồ gỗ nội thất gần đây ở Hoa Kỳ.
Theo Furniture Today, năm 2020, Việt Nam đã xuất 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất 7,33 tỷ USD sang thị trường này trong cùng kỳ, giảm 25% so với năm 2019. Furniture Today đánh giá, dù khoảng cách là tương đối nhỏ, nhưng vị trí của Việt Nam trên thị trường thế giới cho thấy ngành nội thất quốc gia đã phát triển mạnh mẽ như thế nào thời gian qua. Việt Nam cũng nổi lên như một “thế lực” mới trong ngành đồ gỗ nội thất.
Tuy nhiên, càng xuất khẩu tốt, càng dễ bị ‘soi’. Hai năm qua, Hoa Kỳ áp mức thuế cao đến 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất. Cuối 2018, khi thuế quan Mỹ áp lên hàng Trung Quốc từ 10% bắt đầu, hàng xuất từ Bắc Kinh giảm 1% xuống 13,6 tỷ USD, trong khi hàng Việt Nam xuất qua Hoa Kỳ lại tăng 9% lên 4,2 tỷ USD so với mức 3,9 tỷ của năm trước. Sự biến động về kim ngạch xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc hai năm qua đưa quốc gia hơm 96 triệu dân trở thành nhà cung cấp hàng gỗ nội thất lớn nhất cho Mỹ.
Tuy nhiên, “thế lực mới nổi” trong lĩnh vực này cũng mang lại sức ép rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam và buộc nhà chức trách cũng như doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mỹ rất quan tâm đến việc mặt hàng gỗ của Việt Nam tăng trưởng đột biến khi cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Hoa Kỳ-Trung Quốc diễn ra, kéo dài chưa hồi kết.
Việc Mỹ tăng cường áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến một số doanh nghiệp nước ngoài chuyến hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến “an toàn” của họ.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Nguyễn Chánh Phương cảnh báo, việc thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nội thất và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu nâng cao cảnh giác, tỉnh táo để nhận rõ những doanh nghiệp xuất khẩu nội thất chiếm giá trị phần lớn vẫn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, FDI từ Trung Quốc chiếm số lớn trong những năm gần đây gây lo ngại.
Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cũng thừa nhận, cuộc chiến này cũng tạo ra những rủi ro mới cho Việt Nam, đặc biệt là rủi ro về gian lận xuất xứ.
Vị chuyên gia chỉ rõ, rủi ro này xảy ra khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó được xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Vì vậy, việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời, hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xác nhận với TTXVN cho biết, các doanh nghiệp hội viên phản ánh, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm là những mặt hàng rủi ro cao từ Trung Quốc về Việt Nam.
Theo đó, những doanh nghiệp “núp bóng” dưới hình thức nhập khẩu mặt hàng bộ phận các sản phẩm này sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, hoặc mua bán lòng vòng qua các công ty khác nhau, các bộ phận mặt hàng này sẽ tập hợp lại một công ty và công ty này lắp ráp, lấy danh nghĩa sản phẩm của mình sản xuất để xuất khẩu.
Nhằm phòng ngừa tình trạng gian lận, né thuế quan, thiếu trung thực trong xuất xứ hàng hóa, nhất là khi Hoa Kỳ tích cực điều tra mặt hàng gỗ dán Việt Nam có dấu hiệu gian lận xuất xứ, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nêu rõ, Hiệp hội đã có đề nghị gửi các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ.
Cụ thể, theo ông Lập, việc điều tra nên tập trung vào các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có yếu tố rủi ro cao mà có giá trị tăng trưởng nhanh để nếu có vi phạm thì có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến toàn ngành.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định, khâu này đặc biệt quan trọng, việc phối hợp nhiều biện pháp không chỉ nhằm tránh gian lận khi xuất khẩu đi Mỹ mà còn tạo được sự minh bạch, uy tín về sản phẩm gỗ Việt Nam với nhiều thị trường xuất khẩu lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đã cam kết tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu như Quy chế gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR 995/2010), Luật Lacey của Mỹ, Luật đảm bảo gỗ hợp pháp của Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản là những yếu tố đặc biệt quan trọng.
Về phía Chính phủ, nhằm kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý là Nghị định 102 năm 2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp.
Nghị định này là cần thiết vì trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới từ châu Phi, một số quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và Papua New Guinea, tương đương từ 40-50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Thực hiện “bộ lọc” này, các chuyên gia hy vọng sẽ khắc phục được những rủi ro trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Tương lai, đại diện các cơ quan, bộ, ngành, chuyên gia cũng chia sẻ chung quan điểm rằng, trong tương lại, Việt Nam cần hướng đến mục tiêu 100% gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ giống như một số thị trường nhập khẩu yêu cầu Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phải đảm bảo 100% là gỗ rừng trồng hoặc từ nguồn gỗ có chứng chỉ.
Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề “minh bạch” từ nguồn đối với ngành gỗ Việt Nam.
Đối với việc nhiều mặt hàng chủ đạo của Việt Nam bị đối tác lớn như Mỹ ‘dòm ngó’, Bộ Công Thương đã rất nhiều lận lên tiếng cảnh báo, chỉ ra nguyên nhân chính cho xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm vào hàng xuất khẩu Việt Nam với tác động của quá trình hội nhập kinh tế, tham gia sâu rộng các Hiệp định thương mại tự do FTA. Theo đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Chuyên gia cũng cảnh báo rằng, với những vụ khởi xướng điều tra như với sợi PTY, gỗ, lốp xe hay thậm chí là cả mật ong… mọi thứ có thể bắt đầu chỉ với bị đơn là một, hay một vài doanh nghiệp nhưng một khi đã bị kết luận có gian lận thương mại, có bán phá giá, trợ cấp… có thể gây nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của quốc gia.
Do đó, Bộ Công Thương luôn đề nghị các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước, Bộ để cùng giải quyết hiệu quả, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, giải tỏa những khúc mắc với đối tác tránh để bị khởi kiện, áp thuế và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khác.