Trước đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo về việc xây dựng các biện pháp đối phó các hành vi của các nhà chức trách và công ty nước ngoài chống lại Trung Quốc.
Đối với Hoa Kỳ, ngôn ngữ trừng phạt từ lâu đã trở thành công cụ chính trong chính sách đối ngoại nhằm gây áp lực lên các quốc gia khác. Vào năm 1919, Tổng thống Mỹ khi đó là Woodrow Wilson đã đưa ra ý tưởng rằng, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm phạm từ bất kỳ quốc gia nào. Trên thực tế, cơ chế áp lực kinh tế tập thể đã trở thành một công cụ cưỡng chế chính trong Hội Quốc Liên. Trong suốt thế kỷ 20 và 21, Washington đã nhiều lần áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt chống lại các quốc gia có chính sách không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Liên Xô, Iran, Triều Tiên và LB Nga cũng bị trừng phạt. Năm 2012, Hoa Kỳ đã cung cấp cơ sở pháp lý cho cái gọi là Đạo luật Magnitsky, ban hành các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga. Sau đó, Hoa Kỳ đã nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt tác động tới một số ngành và cá nhân của Nga.
Trong một thời gian nhất định, Trung Quốc không lọt vào tầm ngắm của bộ máy trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và công nghệ nhanh chóng của CHND Trung Hoa đã khiến Hoa Kỳ có nguy cơ bị mất vị trí số một trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp. Bây giờ không còn là bí mật đối với bất kỳ ai: cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lấy cái cớ thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc để đưa ra các hạn chế thuế quan đầu tiên đối với các sản phẩm của Trung Quốc, đây chỉ là cái cớ để phát động “cuộc chiến” quy mô lớn với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ và ý thức hệ. Có vẻ là cuộc đối đầu này sẽ còn kéo dài trong một thời gian dài.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, cũng như chống lại các công ty Trung Quốc mà Washington cáo buộc có liên quan đến việc đánh cắp tài sản trí tuệ và gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ. Hóa ra, đây là các công ty công nghệ tốt nhất của Trung Quốc như Huawei, HikVision, Megvii, là các đối thủ cạnh tranh chính của các công ty Mỹ. Hơn nữa, sau đó, Hoa Kỳ cung cấp cơ sở pháp lý cho các lệnh trừng phạt Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc. Vào cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen, được cho là các công ty này có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Ngay sau đó, Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp, theo đó các nhà đầu tư Mỹ bị cấm đầu tư vào chứng khoán của các công ty nằm trong danh sách đen. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 11 tháng 01 năm 2021. Gần đây, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc mà nhà đầu tư Mỹ bị cấm giao dịch.
Các biện pháp trả đũa
Về phần mình, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trả đũa. Ví dụ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành các quy tắc trong danh sách về "các thực thể không đáng tin cậy". Danh sách đen này hiện chưa được công bố cụ thể, nhưng, năm ngoái Trung Quốc đã xem xét khả năng đưa hai nhà sản xuất phần cứng quân sự của Mỹ là Boeing và Lockheed Martin vào danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" liên quan đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các quy định mới nhằm bảo vệ lợi ích của các công ty bị nước ngoài trừng phạt không hợp lý. Theo các quy tắc này, các cá nhân và pháp nhân bằng hành động của mình góp phần thực hiện các biện pháp trừng phạt của nước ngoài đối với các công ty đối tác cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Mặt khác, các quy tắc cũng quy định sự hỗ trợ của chính phủ cho các công ty bị nước ngoài trừng phạt.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn về pháp lý vẫn tồn tại. Nếu Trung Quốc cung cấp cơ sở pháp lý cho các biện pháp và cơ chế chống lại chính sách trừng phạt của Mỹ, điều này sẽ giúp chống lại quyền tài phán dài hạn của Mỹ một cách hiệu quả hơn, - giáo sư Du Tao từ Đại học Chính Pháp Hoa Đông (Trung Quốc) nói với Sputnik.
Cho đến nay, Trung Quốc thường hạn chế thực hiện các biện pháp hoàn toàn cân xứng trước sức ép trừng phạt của Mỹ. Các quan chức Trung Quốc chỉ nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế là không thể chấp nhận được và chỉ ra những vi phạm của một số quốc gia đối với các nguyên tắc trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trong quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi đến mức không thể chịu đựng được nữa. Do đó, cần phải có những cơ chế pháp lý hữu hiệu để chống lại các hành vi xâm phạm. Cần phải hiểu rằng, Trung Quốc đã không bắt đầu cuộc đối đầu này, nhưng Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả nghiêm trọng hơn, - Giáo sư Yang Mian tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Truyền thông Trung Quốc nói với Sputnik.
Chắc là Trung Quốc đã chờ đợi trong hy vọng rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ có thái độ xây dựng hơn và sẽ cố gắng cải thiện mối quan hệ đã chạm đáy trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Tuy nhiên, ngay sau khi Joe Biden lên nắm quyền, mọi người đã thấy rõ rằng, không nên chờ đợi sự hòa giải giữa hai nước. Tại Hoa Kỳ có sự đồng thuận hiếm có về sự cần thiết của cuộc đối đầu gay gắt với CHND Trung Hoa. Do đó, ngày càng có nhiều chuyên gia gọi Biden là "người giống Trump, nhưng, ông có nhiều đồng minh”. Hơn nữa, nếu Trump quyết tâm đạt được các mục tiêu thực dụng - giảm mất cân bằng thương mại song phương và cung cấp thị trường đáng tin cậy cho cử tri vùng nông thôn, thì Biden bị ràng buộc bởi các nguyên tắc tư tưởng.
Trong điều kiện này, Trung Quốc cần phải tạo ra cơ sở pháp lý cho một cuộc đối đầu lâu dài. Theo Tân Hoa xã, Bắc Kinh đã bắt đầu nói về sự cần thiết của bộ luật mới tại các phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 3. Khi đó dự án đang ở giai đoạn thảo luận ban đầu. Như dự kiến, lần đọc thứ hai của dự luật sẽ là lần cuối cùng. Những chi tiết của tài liệu chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bộ luật này là sự tiếp nối của các quy định về trách nhiệm của các cá nhân và pháp nhân tuân theo chính sách trừng phạt không hợp lý đối với Trung Quốc.