“Nếu tiếp tục về nữa, không tỉnh nào chịu nổi”
“Xét dưới góc độ quản lý, lãnh đạo các tỉnh thành thể hiện sự lo lắng giữa nguồn lực và nhu cầu người dân hồi hương, kèm theo đó các nguy cơ dịch bệnh lây lan. Thực tế, các tỉnh thành khác cũng có những người dân quê ra phố làm việc, và họ cũng chuẩn bị, sắp xếp cho người dân về quê trong trật tự từ tháng 8 đến nay. Việc sắp xếp cho người dân lao động di cư về quê không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn một trách nhiệm xã hội của chính quyền địa phương đối với những đóng góp của họ trong một thời gian dài. Các số liệu thống kê cho thấy, của cải người di dân nội địa gửi về quê không thua gì giá trị kiều hối từ hải ngoại gửi về. Bên cạnh đó, dịch bệnh chắc chắn sẽ được kiểm soát tốt, hơn là để tình trạng ùn ứ, di dân đột ngột như hiện nay”.
“Lãnh đạo các tỉnh thành cần đặt mình vào tâm trạng của người dân để thấu cảm những lo toan của họ. Chỉ khi chia sẻ lo toan đó, chúng ta mới có động lực dành hết tâm, trí, lực để tìm ra phương cách giải bài toán này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận sức mạnh của người dân. Họ rất hiểu việc họ làm, và có ý thức phòng bệnh rất cao. Lãnh đạo cùng người dân tìm ra phương cách để tổ chức hồi hương an toàn, 5K để không lây lan dịch bệnh. Kinh nghiệm chống dịch cũng cho thấy rằng, càng đóng thì động lực vượt thoát càng cao. Sự vượt thoát đầy mạo hiểm và người thực hiện mới là nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng. Phòng tuyến dịch tễ sẽ dễ dàng bị xuyên thủng, hệ lụy là dịch bệnh lây lan, hệ thống tế sụp đổ và kéo theo rất nhiều hệ lụy khác”.
Khởi đầu mới cho mối lưu tâm về chính sách
“Việc lao động di cư rời đi khỏi thành phố làm cho những nhà hoạch định chính sách lúng túng, các doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng khi khởi động lại nhà máy, công xưởng nhưng lại thiếu vắng người lao động. Điều này cho thấy một bài học về chính sách an sinh xã hội cực kỳ quan trọng. Có lẽ đại dịch lần này đã mở ra một khởi đầu mới cho những mối lưu tâm về chính sách xã hội cho người lao động di cư. Trên các bàn nghị sự của hệ thống chính trị chắc chắn chủ đề an sinh xã hội cho người lao động di cư sẽ là một chủ đề được mang ra bàn thảo và đề ra những chiến lược căn cơ, bài bản hơn cho thời gian tới nếu như chúng ta không muốn những rủi ro, hệ lụy về thương vong như thời gian vừa qua”.
“Bốn tháng vừa qua, trạng thái tâm lý chung của người dân là trạng thái mắc kẹt. Trước đây, trong các khu trọ chật hẹp, các gia đình lao động di cư đưa cả cha mẹ, con cái chung sống ở đô thị để đỡ đần, chăm non nhau. Thậm chí, cả những người đi trị bệnh cũng bị mắc kẹt lại ở đô thị. Đây có thể xem là nhóm người dễ bị tổn thương. Việc các gia đình tự sắp xếp lại việc làm của gia đình để giảm thiểu rủi ro là cái lợi vô hình mà các nhà quản lý chưa nhìn ra khi xã hội quay lại bình thường mới”.
“Việc tổ chức luân chuyển nguồn lao động, người di cư hai chiều sẽ là chìa khóa quan trọng để tháo gỡ tình trạng này. Tôi dùng từ ‘tháo gỡ” để nói về tình huống này, bởi khi tình trạng nguy kịch mọi chống đỡ đều vô ích, thì tháo gỡ là thể hiện tư thế chủ động, tìm ra giải pháp, bắt đầu từ những điều đơn giản rồi đến các vấn đề phức tạp hơn”.