Ngay 23/12, Tòa án Nhân dân (TAND)TP. Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử 10 bị cáo về tội “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.
Lập Hội đồng quản trị chỉ để cho đầy đủ ban bệ
Phiên tòa dự kiến kéo dài 3 ngày, do thẩm phán Phạm Năng Thành làm chủ toạ. Có tất cả 24 luật sư đăng ký bào chữa cho 10 bị cáo.
Tại phiên xử hôm nay, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo có đơn xin vắng mặt, song đã có đầy đủ lời khai tại cơ quan điều tra nên không ảnh hưởng đến phiên xét xử. Các bị cáo và 13 luật sư bào chữa cũng đều nhất trí với việc này.
Trước khi thẩm vấn, Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã hỏi các bị cáo có bị bức cung nhục hình trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra không, có kêu oan hoặc khiếu nại gì về nội dung cáo trạng không.
Trả lời HĐXX, các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố mình là đúng, không oan.
Ông Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng Đại học Đông Đô, là người đầu tiên được xét hỏi. Ông bị cáo buộc đã ký 429 văn bằng giả cho các học viên.
Khai tại tòa, ông Hòa cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) trường Đại học Đông Đô có 7 thành viên mà mình là một trong số đó. Chủ tịch HĐQT là bị can Trần Khắc Hùng (hiện đã bỏ trốn). Các thành viên HĐQT không phải góp vốn, bản chất trường Đại học Đông Đô là của Trần Khắc Hùng. Việc lập ra HĐQT chỉ là để có đủ ban bệ.
Theo bị cáo Hòa, trong vai trò hiệu trưởng, bị cáo chịu trách nhiệm quản lý hành chính đối với trường và làm những nhiệm vụ khác mà Trần Khắc Hùng giao.
Tại tòa, Dương Văn Hòa cho biết chủ trương đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh có từ cuối năm 2017, do Trần Khắc Hùng quyết định và chỉ đạo cấp dưới làm mà không thông qua HĐQT và ban lãnh đạo trường.
Bị cáo cũng thừa nhận việc đào tạo này là trái pháp luật, không đúng quy trình đào tạo, chưa được sự đồng thuận từ Bộ GD&ĐT.
Dương Văn Hòa cho biết, bị cáo được Trần Khắc Hùng phân công nhiệm vụ ký và đóng dấu các bằng cấp trên, trong khi các bị cáo khác tiến hành hợp pháp hoá và phát hành bằng.
"Cứ đủ tiền là làm thủ tục cấp bằng thôi, đúng vậy không?", Chủ tọa phiên tốc Phạm Năng Thành đặt câu hỏi. Bị cáo Hòa thừa nhận là đúng.
Theo ông Hòa, có 3 tiêu chuẩn để nhận được văn bằng 2 Tiếng Anh: thứ nhất là đã tốt nghiệp văn bằng 1, thứ hai là có nhu cầu và nộp hồ sơ, thứ ba là đóng đủ tiền (từ 29 đến 35 triệu đồng).
Trên nguyên tắc, học viên phải học đủ 71 tín chỉ, thi tốt nghiệp để được cấp văn bằng. Tuy nhiên, Đại học Đông Đô không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức bài thi bằng cách phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Thậm chí có trường hợp không cần hợp thức hóa bài thi nhưng vẫn được cấp bằng.
Bị cáo Hòa thừa nhận đã biết được hành vi của mình là sai nên đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Bị cáo cho biết chỉ làm dưới sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng vì nghe Hùng trấn an, những vi phạm đó không đến mức nghiêm trọng.
Bị cáo khẳng định chỉ làm theo trách nhiệm của chức vụ mình đang giữ, đồng thời cho biết nếu không ký các văn bằng giả đó sẽ bị đuổi việc.
Cựu hiệu phó: “Phạm tội do nhận thức không đầy đủ”
Bà Trần Kim Oanh, cựu phó hiệu trưởng kiêm phó viện trưởng Viện đào tạo liên tục Đại học Đông Đô là người tiếp theo bước lên bục khai báo.
Bà Oanh bị cáo buộc đã chỉ đạo Phạm Vân Thuỳ, Nguyễn Thị Ngọc Thái và Ngô Quang Hiển (đều là nhân viên Viện đào tạo liên tục) tiếp nhận hồ sơ học viên mà không tổ chức thi đầu vào và hợp thức hóa các bài thi của học viên.
Bà Oanh cũng là người ký 16 danh sách đề nghị in bằng giả cho 287 cá nhân.
Tương tự Dương Văn Hòa, bị cáo Oanh cho biết chỉ làm theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng. Hùng đã không thông qua HĐQT mà trực tiếp triển khai chủ trương cấp bằng giả tại các cuộc họp của ban giám hiệu nhà trường và các phòng ban.
Theo bà Oanh, nếu cán bộ mời được học viên tham dự thì sẽ được nhà trường trích lại số tiền 7 triệu đồng để thưởng cho mỗi hồ sơ.
“Khi bị cáo hỏi ông Hùng thì ông nói đã tìm hiểu và tham khảo ý kiến của luật sư, nếu có thì chỉ vi phạm hành chính thôi, lãnh đạo chịu trách nhiệm như cán bộ, nhân viên không sao”, bị cáo Oanh khai.
Bà cho biết, đã cống hiến trong ngành giáo dục 20 năm, mong muốn đóng góp cho nhà trường nhưng vì nhận thức không đầy đủ mà phạm tội.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong giai đoạn từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Đại học Đông Đô đã cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Cơ quan công an đã triệu tập, làm rõ 210 người được cấp văn bằng giả, thu hơn 2,7 tỷ đồng. 221 trường hợp còn lại chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Trong số 210 trường hợp đã được xác minh làm rõ, có 76 người đã sử dụng văn bằng giả vào mục đích cá nhân, gồm: 67 người làm nghiên cứu sinh, 2 người học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 người thi công chức hoặc thi thăng hạng.
Sau khi bị phát hiện, các bị can có dấu hiệu tiêu huỷ hồ sơ lý lịch các học viên và sổ sách liên quan. Điều này đã gây khó khăn, cản trở công tác điều tra.
Kiến nghị Bộ Giáo dục xử lý các cá nhân sai phạm
Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng tổ chức đoàn kiểm tra đối với Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, đoàn đã không phát hiện được các sai phạm trong việc cấp bằng của trường này.
Một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vi phạm quyết định của Bộ trưởng về đào tạo cấp văn bằng 2 Đại học, đồng thời có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra".
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với ĐH Đông Đô theo đúng quy định", cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu rõ
Từ đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật và chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục sai phạm.