Theo đó, tổng số ca nhiễm Virus Adeno được ghi nhận tại bệnh viện tính đến 12/9 là 412 ca, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhi tử vong có nhiễm virus này.
Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), Virus Adeno chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Gây tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não, màng não… Bệnh do Virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông.
Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm; hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày.
Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm vi rút này do sức đề kháng kém.
"Trẻ nhiễm virus này thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng xuất hiện tình trạng khó thở", PGS Hanh thông tin.
Các biểu hiện và phác đồ điều trị
TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi T.Ư, cho biết:
“Trong nước hiện chưa có vắc xin phòng ngừa Virus Adeno. Vì thế, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy, đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh đang sẵn có”.
Theo BV Nhi T.Ư, trẻ nhiễm Virus Adeno thường có các biểu hiện như: sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Trẻ có biểu hiện nặng sẽ xuất hiện tình trạng khó thở.
Trẻ nhiễm Virus Adeno khi nhập viện sẽ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt với sự hỗ trợ hô hấp (thở ô xy hoặc thở máy) khi cần. Trẻ có chỉ định dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi.
Điều trị các triệu chứng bằng cách: hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng vi rút đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng vi rút không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).