Diễn biến bão Noru: Không chủ quan trước "trời quang mây tạnh"

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 26/9, trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (tên quốc tế là bão Noru), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nóng các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống bão.
Sputnik
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng cho biết bão số 4 mạnh cấp 12-13, giật cấp 14 đang di chuyển ở Biển Đông hướng về nước ta. Dự báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung nước ta. Đây là cơn bão mạnh, có sức tàn phá lớn, độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trước đó, cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỉ đồng ở thời điểm đó). Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương.
Diễn biến bão Noru ‘quá nhanh, quá nguy hiểm’, Việt Nam tính sơ tán khoảng 870.000 dân
Thủ tướng cho biết ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trước mắt, các địa phương kêu gọi ngư dân, tàu thuyền không ra khơi đánh bắt hải sản mà vào nơi tránh trú an toàn; kêu gọi người dân gia cố lòng bè nuôi trồng thủy sản, rời khỏi lòng bè trước khi bão đổ bộ; kiểm tra hồ đập, gia cố vững chắc; cảnh báo, di dời người dân khỏi các khu vực có thể xảy ra sạt lở....
Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, Bộ Y tế đã ban hành công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Bộ Y tế (Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại công điện số 29/CĐ-QG ngày 24-9-2022 và các văn bản liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ.
Việt Nam huy động 400.000 người, 127 xe đặc chủng, 15 máy bay ứng phó với bão
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Các tỉnh ven biển, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra; rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại những vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thảo luận