Đây là nhận định nêu trong bài viết tổng hợp đăng ở tài khoản Niu Tanqin trên mạng xã hội WeChat, mà chủ tài khoản là nhà báo nổi tiếng Lưu Hồng, Phó tổng biên tập tạp chí Hoàn Cầu (Global) của Tân Hoa xã.
Hôm thứ Hai, công ty Nord Stream 2 AG báo cáo xảy ra sự cố khẩn cấp ở một nhánh của tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc -2” (đã được bơm đầy khí kỹ thuật sau khi thi công) tại vùng biển Đan Mạch gần đảo Bornholm, dẫn đến áp suất trong đường ống giảm mạnh. Công ty cho biết nguyên nhân chưa xác định được, đang tiến hành điều tra. Sau đó, công ty Nord Stream AG, nhà điều hành “Dòng chảy phương Bắc” báo cáo về hiện tượng sụt giảm áp suất trong cả hai đường ống. Nguyên nhân cũng chưa được xác định.
Như tác giả bài báo lưu ý, căn cứ vào thông tin hiện tại có thể nói "chắc chắn" rằng vụ việc nói trên là hành động phá hoại. Chuyên gia đặt ra câu hỏi ai có thể hưởng lợi khi đường ống bị thiệt hại, đồng thời xem xét các giả thuyết về sự tham gia của một số quốc gia có khả năng quan tâm đến việc này.
Theo nhà phân tích, có thể loại nước Đức ngay lập tức ra khỏi vòng nghi vấn, vì nước này "thiệt hại nhiều nhất từ vụ việc" và quan tâm đến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sau khi cuộc xung đột ở Ukraina kết thúc. Tác giả cho rằng Đan Mạch cũng không liên quan đến vụ việc, mặc dù trên thực tế vụ rò rỉ khí đốt xảy ra ngay gần lãnh thổ của họ.
Nói về khả năng tham gia của Ba Lan, tác giả cho rằng không thể loại trừ sự liên can của nước này.
"Không thể loại trừ những nghi ngờ đối với Ba Lan. Địa điểm xảy ra vụ nổ không xa Ba Lan. Ba Lan là quốc gia chống Nga nhiều nhất ở Đông Âu và ủng hộ Ukraina mạnh nhất", - ông viết, lưu ý rằng vụ việc xảy ra trong bối cảnh khai trương đường ống dẫn khí đốt Baltic (Baltic Pipe) ở Ba Lan.
Phân tích khả năng Mỹ liên can đến vụ việc này, chuyên gia lưu ý rằng cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã viết trên mạng xã hội sau vụ việc: “Cảm ơn nước Mỹ”.
"Rất có ý nghĩa", tác giả nhận xét, đồng thời nhắc lại rằng hồi đầu tháng Hai Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói, trong trường hợp có hành động leo thang từ Nga liên quan đến Ukraina, đường ống dẫn khí "sẽ không tồn tại, chúng tôi sẽ chấm dứt nó".
Bình luận về khả năng Nga tham gia vào vụ việc, chuyên gia lưu ý rằng nếu Moskva muốn sử dụng đường ống như một công cụ để gia tăng sức ép đối với các nước châu Âu, họ có thể dùng biện pháp đơn giản là cắt nguồn cung cấp.