Năm 2022 ngành Ngoại giao Việt Nam "nảy sinh vụ việc chưa từng có tiền lệ"

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 10/1, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Sputnik
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo ngành ngoại giao.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhìn lại những khó khăn trong bối cảnh hoạt động của ngành ngoại giao cả trong và ngoài nước. Thế giới đã trải qua những biến động lớn, có những vấn đề ngoài dự báo thông thường, phức tạp và khó khăn hơn trước.
“Trong ngành ngoại giao, nảy sinh vụ việc chưa từng có tiền lệ, tác động đến tâm tư, tình cảm của các thế hệ cán bộ ngoại giao”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2022, ngành ngoại giao đã trải qua thử thách, khó khăn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, thực hiện cả nhiệm vụ đối ngoại và nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành ngoại giao hết sức nặng nề, phức tạp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành ngoại giao
Trong bối cảnh đó, ngành Ngoại giao đã đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam", phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, các ngành, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với kết quả toàn diện và quan trọng.

Những thành tựu nổi bật

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, thành tựu nổi bật của ngành Ngoại giao là tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Trong năm qua, gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt đã phản ánh một bức tranh sôi động trên mặt trận đối ngoại và ngoại giao, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng.
Cạnh đó, ngành ngoại giao đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, đối tác với phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Ngoại giao kinh tế trong năm qua đã đóng góp thiết thực vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, thu hút đầu tư, du lịch, mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD…
Bộ trưởng Ngoại giao cũng nhấn mạnh xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đã đạt nhiều tiến bộ. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt.

Tồn tại nhiều hạn chế

Tuy nhiên Bộ trưởng thừa nhận, ngành Ngoại giao vẫn còn những tồn tại, hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc phát hiện, nắm bắt thời cơ, vận hội chưa thực sự nhạy bén. Công tác nghiên cứu, dự báo đối ngoại có nơi, có lúc còn chưa kịp thời.
Bộ trưởng cũng cho rằng sự phối hợp trong ngành Ngoại giao và giữa ngành Ngoại giao với các ngành, các cấp có lúc, có việc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Tư duy, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ ngoại giao chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, v.v…
Bộ trưởng nêu lên các bài học lớn và sâu sắc hơn về đối ngoại để giúp ngành Ngoại giao trưởng thành, bản lĩnh hơn và tích lũy thêm những bài học kinh nghiệm có giá trị.
Trung Quốc bình luận về “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam: ‘Đung đưa nhưng không đu dây’

Mục tiêu năm 2023

Đặt vấn đề trong năm 2023 ngành ngoại giao đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ông Sơn nhấn mạnh đòi hỏi toàn ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động với quyết tâm cao xây dựng ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, năm tới, ngành Ngoại giao cùng với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và ngoại giao, phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường, hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội và huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nhanh, bền vững đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
"Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, bên cạnh quán triệt sâu sắc phương châm của Chính phủ là “đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”, ngành ngoại giao cũng quán triệt phương châm phát huy cao nhất tinh thần tận tụy phụng sự Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai đối ngoại, hội nhập quôc tế và phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Thảo luận