Ông Miroslav Lajcak, Đặc phái viên EU về đối thoại Beograd-Pristina hôm thứ Năm tỏ ý hy vọng sớm đạt được thỏa thuận và sau đó các bên sẽ ký kết văn kiện giải quyết vấn đề Kosovo. Hôm thứ Năm, lần đầu tiên ông tổ chức một cuộc họp kín ở Pristina với "tổng thống" Vjosa Osmani của Kosovo, sau đó là với thủ tướng của nước cộng hòa tự xưng này là Albin Kurti. Chủ đề thảo luận là một tài liệu trong tương lai - kế hoạch thực hiện đề xuất của châu Âu và Mỹ về việc giải quyết vấn đề Kosovo. Lajcak dự kiến đến Beograd vào ngày 13-14 tháng 3.
"Mọi người nên biết rằng tôi sẽ không nghĩ đến việc ký vào văn bản đầu hàng của Serbia. Không cần ai phải nói cho tôi biết kế hoạch đó là gì, tôi biết điều đó rõ hơn họ, không ai ở đất nước này biết rõ hơn tôi, tôi đã tham gia 300 cuộc đàm phán, hơn tất cả những người khác cộng lại, tôi biết mọi chi tiết", - ông Vucic nói trên kênh truyền hình TV Happy.
"Sẽ không chỉ có đầu hàng và thoái lui (lập trường), tôi đã cho họ hiểu rõ... Serbia sẽ không đồng ý và sẽ không im lặng về vấn đề gia nhập Liên Hợp Quốc của cái gọi là Kosovo, không công nhận nó theo bất kỳ cách nào", - nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh.
Ông lưu ý rằng người viết ra đề xuất của phương Tây về việc giải quyết tình hình ở Kosovo không phải là chính quyền Serbia, mà là các chính trị gia có ảnh hưởng ở Đức và Pháp, và Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
Quốc hội Serbia sau hai ngày tranh luận với sự tham gia của Tổng thống, ngày 3 tháng 2 với đa số phiếu đã thông qua báo cáo thường niên của chính phủ về các cuộc đàm phán liên quan đến Kosovo và Metohija cũng như tình hình trong khu vực. Tổng thống Serbia đã trình bày trước các nghị sĩ 10 điểm trong chương trình của ban lãnh đạo đất nước trước sức ép từ bên ngoài. Trong số đó có việc duy trì hòa bình và ổn định, yêu cầu thành lập Cộng đồng các tộc người Serb ở Kosovo và Metohija, đảm bảo an ninh cho người Serb ở Kosovo, thu hút đầu tư nước ngoài vào Serbia v.v.
Tổng thống Vucic đã nhiều lần nhắc lại một cách rõ ràng rằng ông "sẽ không bao giờ công nhận nền độc lập của Kosovo và phản đối việc Pristina gia nhập Liên hợp quốc". Ông cũng tuyên bố rằng Beograd sẽ tiếp tục chính sách trung lập về quân sự và "sẽ cố gắng cầm cự không áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga hết mức có thể". Theo ý kiến của ông, xung đột vũ trang ở Ukraina đang phát triển thành Chiến tranh thế giới thứ ba, còn các nước phương Tây đang gia tăng sức ép đối với Serbia do nước này từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại LB Nga.