Xin nhắc một chút rằng ngay từ lúc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, thì tiếp sau Hoa Kỳ và các nước phương Tây, Singapore đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Matxcơva.
Giải thích về động cơ hành xử của Chính phủ, ông Lý Hiển Long nói: «Chúng tôi tuân theo các nguyên tắc, chứ không theo bên nào».
Trong trường hợp xung quanh Ukraina, Singapore cho rằng đã có sự vi phạm vào nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ.
Phương Tây đâu phải là không có lỗi
Một năm đã trôi qua từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, có rất nhiều thay đổi trong nhận thức của các chính trị gia châu Á về tình hình ở châu lục Âu. Phát biểu gần đây tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cơ sở giáo dục và nghiên cứu công lập đầu não của đảo quốc Sư tử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Pháp luật Singapore K. Shanmugam đã lưu ý đến hành vi của Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
«Theo nhãn quan của tôi, phương Tây và NATO không đứng ngoài cuộc, không phải không đóng vai trò nào đó trong tình hình hiện nay», - ông nói.
Bộ trưởng nhắc rằng việc mở rộng NATO sang phía Đông là trái ngược với những lời hứa mà Hoa Kỳ đã cam đoan cùng Liên Xô. Sự mở rộng như vậy tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Ông Shanmugan cũng nhắc về thói đạo đức giả của các cựu lãnh đạo châu Âu như chính khách Hollande của Pháp và Merkel của Đức, những người từng thừa nhận rằng họ ký các thỏa thuận Minsk nhưng không sửa soạn thực hiện, bởi mục đích của họ là tạo cơ hội cho Ukraina tăng cường tiềm lực quân sự để đối đầu với Nga.
Cuộc chiến xa lạ
Trên thực tế, các công dân bình thường của các quốc gia Đông Nam Á chẳng mấy bận tâm về những gì diễn ra ở lục địa Âu.
Trong khu vực này có quan niệm sau đây đã trở thành phổ biến: «Các vấn đề của Ukraina không phải là việc của chúng tôi và chúng tôi sẽ không can thiệp».
Đó là câu trả lời của 60% cư dân Thái Lan được khảo sát lấy ý kiến, 54% cư dân Malaysia, 48% cư dân Indonesia, 44% cư dân Singapore. Tại Lào, chỉ có 14% số người được hỏi tuyên bố thấy lo ngại về cuộc chiến ở Ukraina.
Cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo đã phát biểu như sau: «Không một ai ở Đông Nam Á muốn tham dự vào cuộc chiến ở nơi xa lạ và chẳng hề có ý nghĩa chiến lược gì đối với chúng tôi».
Có thể khá thường xuyên nghe thấy lời bình rằng các sự kiện ở Ukraina tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế trên thế giới. Nhưng ở Singapore không phải ai ai cũng cho là như vậy. Mặc dù thành phố-Nhà nước đơn nhất này đã thi hành các biện pháp trừng phạt trong quan hệ với Matxcơva, nhưng Singapore vẫn không chấm dứt hợp tác với Nga. Biện pháp trừng phạt liên quan đến các lĩnh vực như xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật-quân sự sang Nga và dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, giống như trường hợp với các nước khác, quan hệ hợp tác Singapore-Nga trong lĩnh vực như hóa dầu lại thăng hoa phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, lượng dầu mỏ Nga mà các hải cảng Singapore tiếp nhận đã nhiều hơn năm trước. Dầu nhận về được xử lý và tái xuất khẩu sang các nước khác, theo dữ liệu của phương tiện truyền thông địa phương cho biết, ví dụ như tái xuất sang Việt Nam. Các công ty Singapore nhận lãi suất ở mức 10-12% từ những phi vụ này.
Trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Trung Quốc, Thủ tướng Lý Hiển Long nói Singapore là đất nước «nhỏ bé» và «không đóng vai trò phân định vận mệnh chính trị thế giới». Tuy nhiên, từ lâu quốc tế đã biết đến tính tích cực và độc lập tự chủ của Singapore trong các mối bang giao và phán quyết của các chính trị gia phản ánh dư luận và ý chí của nhiều người hơn là số dân trên một hòn đảo. Do đó, cần chú ý đến quan điểm của họ.