Hàng không Việt Nam: Bước vào giai đoạn phục hồi và phải cơ cấu lại

Ngành hàng không Việt Nam vừa bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động, vừa phải cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình mới. Việc đàm phán slot bay quốc tế chưa thành công ở một số quốc gia chỉ là những trở ngại không lớn và có thể gỡ bỏ được.
Sputnik
Mới đây, tại Hội nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietnam Airlines đã có chia sẻ: Thị trường hàng không quốc tế mới phục hồi 60% so với trước đại dịch Covid-19; các hãng hàng không các nước, trong đó có Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, đó là việc giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.
Sputnik đã có cuộc trao đổi về tình hình hàng không dân dụng Việt Nam với ông Nguyễn Hồng Long - chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam.

Những khó khăn phải đối mặt

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, bức tranh của ngành hàng không Việt Nam hiện nay có thể được mô tả như thế nào từ cách nhìn nhận của ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Vào đầu mùa hè năm 2022, khi được hỏi rằng “niềm mong mỏi lớn nhất của các bạn hiện nay là gì” thì hầu hết đội ngũ phi công và tiếp viên của các hãng hàng không Việt Nam đều có câu trả lời chung; đó là: “Được bay”. Tuy nhiên, sau một năm, niềm mong mỏi hạnh phúc ấy chưa thể trọn vẹn khi các hãng hàng không Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới chưa từng xảy ra trước Đại dịch COVID-19. Nếu như chỉ sau nửa năm, các hãng hàng không Việt Nam, bao gồm cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đã khôi phục được trên 70% khối lượng vận chuyển nội địa so với trước đại dịch và tăng 8% về lĩnh vực này thì các tuyến vận chuyển hàng không quốc tế lại đang gặp một số khó khăn.
Trước hết phải kể đến giá cả đầu vào của dịch vụ bay tăng cao; nhất là giá nhiên liệu bay vốn chiếm tới trên dưới 60% chi phí cho một chuyến bay. Giá dầu mỏ trung bình trên thế giới đã vượt mốc 65 USD/thùng vào trước đại dịch thì chỉ vài tháng sau khi xung đột Nga-NATO (thông qua vấn đề Ukraina) nổ ra đã được kéo lên trên dưới 100USD/thùng, thậm chí có lúc ngấp nghé mức 120 USD/thùng. Ngay cả khi giá dầu mỏ “giảm nhiệt” xuống còn 74,33 USD/thùng (dầu WTI) và 78,72 USD/thùng (dầu Brent) và duy trì ở mức này thì chi phí nhiên liệu bay vẫn tăng hơn 20% so với năm 2019.
Khó khăn thứ hai là chi phí nhiên liệu thông thường (xăng, dầu) cũng tăng cao dẫn đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các chuyến bay cũng như các hoạt động đảm bảo ở mặt đất cũng tăng lên tương ứng.
Đã có hãng bay Việt xin phá sản, sếp Vietnam Airlines đi Trung Quốc xin slot thất bại
Khó khăn thứ ba là việc khai thác các đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường du lịch. mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.575.000 lượt người, trong đó có 4.886,400 lượt người sử dụng đường hàng không; gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chỉ đạt 65.7% so với cùng kỳ năm 2019, năm trước đại dịch. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam chỉ có thể vận chuyển được không quá 30% số lượng khách du lịch đến Việt Nam và trở về bằng đường hàng không.
Khó khăn cuối cùng là chính các hãng hàng không của nhiều quốc gia cũng đang trong giai đoạn phục hồi. Thị trường hàng không quốc tế tại Việt Nam hiện tại có tới hơn 30 hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đang cùng khai thác. 34 hãng này đang khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia, vùng lãnh thổ là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Hồng Kông, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Úc, Đức, Pháp, Anh, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sau đại dịch của các quốc gia này không đều. Có một số nước hiện nay vẫn đang áp dụng chế độ kiểm dịch đối với các hành khách nhập cảnh vào nước họ.

Sự phục hồi các biện pháp cạnh tranh

Sputnik: Sự phục hồi của các hãng hàng không quốc tế cũng đi kèm với sự phục hồi các biện pháp cạnh tranh. Đó là việc cấp slot các chuyến bay (giờ cất, hạ cánh). Tình hình cụ thể liên quan tới vấn đề slot các chuyến bay hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Ở nhiều nước, trong việc cấp các slot bay tuân thủ theo thông lệ quốc tế “có đi có lại”. Theo thông lệ này, nếu một hãng hàng không nào đó không sử dụng tới 70% số slot được cấp trong một năm thì số slot còn lại sẽ không được bảo lưu sang năm sau và hãng hàng không đó phải xin cấp mới hoàn toàn vào năm sau.
Tại thị trường hàng không Trung Quốc, Việt nam đang sử dụng các slot bay trong quá khứ còn chưa dùng hết nhưng thời điểm kết thúc mùa hè đang đến gần. Nếu không sử dụng các slot được cấp đạt tỷ lệ 80% (cao hơn thông lệ quốc tế), các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải đàm phán lại với phía Trung Quốc để xin cấp loạt slot mới cho mùa hè năm 2024.
Đối với thị trường hàng không Ấn Độ, hiện nay Việt Nam duy trì đường bay đến 4 thành phố lớn của nước này gồm New Delhi, Mumbai, Kolkata và Hyderabad. Năm 2022, hai nước bắt đầu đàm phán để tăng dày các chuyến bay thẳng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phú Quốc đến các thành phố này.nhưng chưa đạt được kết quả. Vấn đề không phải do phía Ấn Độ gây khó dễ mà là do các hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng đến ngưỡng tối đa mức cung ứng đến 4 điểm thành phố lớn ở Ấn Độ theo quy định trong biên bản ghi nhớ giữa hai nhà chức trách hàng không hai nước trong khi phía Ấn Độ vẫn chưa khai thác tối đa hạn mức này.
Riêng đối với nước Anh thì các hãng hàng không nước này không tổ chức các đường bay đến Việt Nam, Vì vậy, các hãng hàng không Việt Nam không thể sử dụng quy tắc “có đi có lại” để đàm phán với người Anh về việc cấp slot cho các hãng hàng không Việt Nam, theo đó, Việt Nam không thể giữ các slot đã được phía Anh cấp để sử dụng cho năm sau mà được cấp năm nào thì phải sử dụng hết trong năm đó. Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư và làm việc với nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh đề nghị hỗ trợ việc duy trì slot lịch sử cho Vietnam Airlines tại sân bay London Heathrow nhưng không được đáp ứng do Tổ chức điều phối hàng không của Vương quốc Anh là cơ quan độc lập và Bộ Giao thông vận tải Vương quốc Anh không thể can thiệp vào hoạt động của cơ quan này.
Sự thật Bamboo Airways phá sản và Sacombank là ngân hàng cho vay nhiều nhất

Ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của người dân

Sputnik: Việc phục hồi các đường bay quốc tế chậm, trong đó có đường bay với các thành phố của Nga ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu đi lại, giao thương, giao lưu văn hóa của người dân…
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Đúng vậy, hàng không quốc tế vẫn phục hồi yếu do nhiều thị trường lớn vẫn chưa hoàn toàn mở cửa. Cộng thêm tâm lý chưa an tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác, nên hành khách có xu hướng du lịch nội địa.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), cuối năm 2022, hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Trong khi đó, thị trường quốc tế có mức hồi phục chậm hơn và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.
Khó khăn về kinh tế, thu nhập dẫn đến việc cắt giảm chi phí đi lại và du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân. Hiện tại, nhu cầu đi lại quốc tế chủ yếu vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh, hoạt động du lịch cho dù đang được khôi phục, nhưng vẫn chưa được đẩy mạnh.
Từ 4/6/2023, giữa Nga và Việt Nam có chuyến bay thẳng Irkutsk – Hà Nội do hãng hàng không Nga "IrAero" thực hiện bằng bằng máy bay "Sukhoi Superjet-100". Lịch bay từ 7/7/2023 là hai chuyến một tuần vào thứ Sáu và Chủ Nhật. Còn lại, người dân hai nước đều phải bay quá cảnh sang các nước khác, giá vé cao và thời gian bay dài, không thuận tiện. Nga và Việt Nam đã có những nỗ lực khôi phục các đường bay thẳng, nhưng hiện tại vướng mắc chính là ở phía Việt Nam. Việc không có những chuyến bay thẳng kết nối thủ đô và các thành phố lớn của hai nước rất hạn chế việc đi lại, du lịch của người dân, hạn chế hoạt động giao thương, kết nối làm ăn, hoạt động văn hóa...

Những giải pháp cần có và đang thực hiện

Sputnik: Liên quan đến thông tin về một hãng hàng không nào đó tại Việt Nam đã nộp hồ sơ xin phép phá sản ông có bình luận gì?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Liên quan đến thông tin này thì như Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, ông chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc này. Còn đại diện của hãng Bamboo Airway, hãng bị nghi ngờ là nộp đơn xin phá sản đã khẳng định là hãng này không xin phá sản mà đang hoạt động ổn định, đồng thời cơ cấu lại để tiếp tục tham gia thị trường hàng không nội địa và quốc tế trên cả hai lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải hàng hóa.
Sputnik: Để đối phó và vượt qua được những trở ngại, khó khăn, phức tạp hiện nay cần có những giải pháp gì? Sự hỗ trợ của nhà nước cần phải như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Để đối phó với tình hình giá nhiên liệu bay, nhiên liệu thông thường và vật tư tiêu hao có nguồn gốc từ dầu tăng cao, các hãng hàng không của Việt Nam đã đề nghị nâng trần hoặc bỏ trần giá vé máy bay. Hiện tại, đề xuất này chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận, khi Bộ Tài chính chưa chắc chắn về việc giữ tỷ lệ lạm phát theo chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội đã giao cho chính phủ.
Vietjet là “Hãng hàng không chi phí thấp có dịch vụ trên tàu bay tốt nhất năm 2023”
Mặt khác, việc Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xử lý phương án chuyển nhượng Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines về PVN cũng được coi là một biện pháp nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay Quốc tế lớn của Hàn Quốc với chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng là tác động đáng kể để Vietnam Airlines tập trung vào nhiệm vụ khai thác vận tải hàng không với tư cách là một trong các hãng hàng không trụ cột của Việt Nam.
Kể từ ngày 12/7/2023, nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng, lũng đoạn cổ phiếu có thể gây hại cho ngành hàng không Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, Bộ Tài chính đã đặt các mã cổ phiếu họ HVN (hàng không Việt Nam) vào diện hạn chế giao dịch giám sát giao dịch chặt chẽ. Việc giám sát và hạn chế này không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hàng không Việt Nam do các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận nhưng là biện pháp cần thiết để bảo vệ giá trị thực của các cổ phiếu họ HVN. Do đó, việc nỗ lực để đưa hệ thống cổ phiếu mã HVN trở lại hoạt động bình thường cũng là một trong các giải pháp để thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành hàng không.
Đối với phía Trung Quốc, ngành hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với đối tác để giảm mức sử dụng slot được cấp cho mùa hè 2023 chưa sử dụng hết được phép bảo lưu để sử dụng cho mùa hè năm 2024. Đối với Ấn Độ, người đứng đầu ngành vận tải hàng không Việt Nam sẽ đàm phán với đối tác để đạt mục tiêu gỡ bỏ hạn mức cung ứng tối đa về các chuyến bay giữa hai nước đã được thỏa thuận nhằm tăng cường trao đổi các chuyến bay theo phương châm hai bên cùng có lợi.
Đối với vận tải hành khách quốc tế, các hãng hàng không Việt nam cần phối hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành du lịch, kể cả công ty nội địa và công ty nước ngoài để phối hợp chặt chẽ, vừa khai thác tối đa lợi thế của “nước chủ nhà”, vừa đóng góp cho ngành du lịch đang trên đà phục hồi và tăng trưởng.
Tóm lại, ngành hàng không Việt Nam vừa bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động nhưng cũng vừa phải cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, việc đàm phán slot bay quốc tế chưa thành công ở một số quốc gia chỉ là những trở ngại không lớn và có thể gỡ bỏ được. Ngoài thị trường hàng không tại 3 quốc gia nói trên, các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì hoạt động tốt trên các đường bay khác tới 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia có nền hàng không rất phát triển như Đức, Pháp, Czech, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các quốc gia nằm ở các điểm nút giao thông hàng không quốc tế như Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á , Trung Đông, Châu Phi…
Sputnik: Rất cảm ơn ông Nguyễn Hồng Long đã cung cấp những thông tin hữu ích.
Thảo luận