Sẽ xử phạt chủ đầu tư BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp nếu không hợp tác

UBND TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo các ngành chức năng ra Quyết định bị xử phạt chủ đầu tư BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Sputnik

Liên quan đến phản ứng của một số tài xế gây ùn tắc nghiêm trọng tại trạm thu phí BOT Cần Thơ — Phụng Hiệp những ngày qua, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, nếu chủ đầu tư không hợp tác để giải quyết các tình huống đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại địa phương, UBND TP sẽ chỉ đạo các ngành chức năng ra Quyết định bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Ông chủ Dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp của 'hot girl' 9x là ai?

Phóng viên: Thưa ông, hôm qua đại diện nhà đầu tư sau khi làm việc với ông đã đồng ý, nếu có ách tắc nghiêm trọng sẽ xả trạm. Tuy nhiên, thực tế trong ngày 5/1 sự việc đã không diễn ra như mong muốn. Nguyên nhân tại sao?

Ông Võ Thành Thống: Tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương, khi cần phải áp dụng biện pháp xả trạm cho đến khi đường thông thoáng mới thu phí trở lại. Tuy nhiên, phía trạm thu phí chưa hợp tác tốt với chính quyền địa phương. Họ lấy lý do là chưa có sự chỉ đạo của chủ đầu tư có thẩm quyền ngoài Hà Nội.Trước tình hình giao thông ùn tắc nghiêm trọng và kéo dài, chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt yêu cầu người đại diện cho chủ đầu tư trạm BOT phải xả trạm và nhà đầu tư đã đồng ý xả trạm. Tôi hoan nghênh sự hợp tác đó. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý chủ đầu tư, việc hợp tác cần được thực hiện tốt hơn.

Phóng viên: Nếu còn xảy ra ùn tắc như những ngày qua, nhưng trạm BOT Cần Thơ — Phụng Hiệp không xả trạm, thành phố sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

Vì tham nhũng mà các nhà đầu tư Mỹ từ chối các dự án BOT Việt Nam?
Ông Võ Thành Thống: Trong biên bản làm việc giữa chúng tôi và nhà đầu tư có nội dung, từ đây cho đến khi Bộ GTVT có biện pháp căn cơ giải quyết vấn đề liên quan đến sự cố này, nhà đầu tư phải có trách nhiệm chủ động xử lý tình huống, không để xảy ra ách tắc giao thông như hai ngày qua.Trách nhiệm của địa phương là đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tất cả những trường hợp không hợp tác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu nhà đầu tư này không thực hiện theo yêu cầu để giải quyết các tình huống xảy ra, tôi đã giao cho Sở GTVT áp dụng biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định của Chính phủ.

Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này?

Ông Võ Thành Thống: Giải pháp căn cơ cần có sự tham gia của nhiều bên. Đặc biệt là Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư. Bởi vì thẩm quyền miễn giảm và xem xét mức miễn giảm không thuộc về TP Cần Thơ. Chúng tôi cũng đã đề xuất một cuộc họp và đã gửi thư mời Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ làm việc với TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang để bàn bạc xử lý vụ việc này.

Nguyên nhân xảy ra phản ứng tại trạm BOT chỉ xoay quanh hai vấn đề: Mức phí và đối tượng được giảm phí. Người dân mong muốn mức miễn giảm nhiều hơn mức mà Bộ GTVT đã cho thực hiện trước đó. Các doanh nghiệp cũng đề nghị ngoài các đối tượng chính chủ mà Bộ GTVT đã cho phép miễn giảm, cần mở rộng hơn cho các loại xe mà họ hợp đồng.

Bộ trưởng GTVT lần đầu tiên nói về "những khuất tất" của BOT Cai Lậy
Những ý kiến này chúng tôi đã tiếp thu và cũng đã có báo cáo gửi Bộ GTVT. Tuần tới, khi làm việc với Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ, chúng tôi sẽ đặt lại vấn đề này để cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Phóng viên: Thưa ông, đối với những người cố tình nhiều lần qua lại trạm phản ứng gây ùn tắc giao thông thì ngành chức năng địa phương sẽ xử lý thế nào?
Ông Võ Thành Thống: Tôi cho rằng, ý kiến người dân đã được chính quyền ghi nhận và đã phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền xem xét thì người dân cần bình tĩnh. Trong khi chờ đợi không nên có những hành động gây mất trật tự an toàn giao thông.

Đây chỉ là bức xúc của một nhóm người nhưng làm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng như điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì một lợi ích nhỏ mà ảnh hưởng đến lợi ích lớn là không nên.

Phóng viên:  Xin cảm ơn ông.

Theo: VOV

Thảo luận