Trung Quốc: Từ "đả hổ" sang chống "kẻ hai mặt", tiếp tục "giăng lưới trời"

Năm 2018, công tác chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ tập trung vào chống "kẻ hai mặt", chống chủ nghĩa hình thức, bệnh quan liêu, tham nhũng vặt, truy bắt quan tham trốn ra nước ngoài, tăng cường thanh tra, cải cách thể chế giám sát quốc gia.
Sputnik

Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 6/1/2018 cho hay ngày 27/12/2017, một thông tin được dư luận Trung Quốc quan tâm là Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức hội nghị lắng nghe báo cáo công tác của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI), nghiên cứu triển khai công tác xây dựng tác phong liêm chính của đảng và chống tham nhũng năm 2018.

Từ hội nghị này có thể nhìn ra những tín hiệu mới của cuộc chiến chống tham nhũng cũng như những vấn đề đáng quan tâm trong xây dựng tác phòng liêm chính của đảng và chống tham nhũng của Trung Quốc trong năm 2018.

Thành tích "đả hổ" 2017 nổi bật, nghiêm túc điều tra "kẻ hai mặt" năm 2018

Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua nhấn mạnh: "Kiên trì trị đảng toàn diện, nghiêm minh một cách lâu dài, tiến hành đến cùng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quyết không bỏ dở giữa chừng".

Nhìn lại cuộc chiến chống tham nhũng năm 2017, thành quả to lớn, những biện pháp mạnh liên tục được đưa ra.

Ngày 6/1/2017, tại Hội nghị lần thứ 7 của CCDI khóa XVIII, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, quyết không giảm mức độ trừng trị tham nhũng, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến chống tham nhũng. Ông Tập nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ và thái độ rõ ràng về tiến hành đến cùng xây dựng tác phong liêm chính của Đảng và chống tham nhũng.

Trước đó 5 ngày, nguyên Phó chủ tịch thường trực tỉnh Cam Túc, ông Ngu Hải Yến ngã ngựa, cuộc chiến "đả hổ" năm 2017 bắt đầu.

Từ thông báo trên trang web của CCDI cho thấy trong năm 2017, có gần 20 cán bộ do Trung ương quản lý bị lập hồ sơ điều tra, hơn 10 cán bộ do Trung ương quản lý bị xử lý do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, trong đó có cả "hổ lớn" Tôn Chính Tài, Ủy viên Bộ Chính trị.

Ngoài ra, CCDI cũng liên tục bắt được 3 quan chức cấp Bộ là Trương Hóa Vi, Khúc Thục Huy, Mạc Kiến Thành.

Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh

Thời gian tới, những cán bộ lãnh đạo nào ở Trung Quốc sẽ bị điều tra? Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua đã đưa ra câu trả lời: Bước tiếp theo sẽ xét xử  nghiêm túc những "kẻ hai mặt" không trung thành, không thành thật, bằng mặt mà không bằng lòng với đảng, vấn đề làm trái với đường lối chính trị của đảng, phá hoại môi trường chính trị trong đảng.

Tập trung xét xử những cán bộ lãnh đạo "không dừng lại, không thu tay, tập trung đầu mối vấn đề, bị quần chúng phản ứng gay gắt, hiện giữ cương vị lãnh đạo quan trọng, có thể còn muốn được đề bạt sử dụng"; xét xử nghiêm túc những hành vi dùng lợi ích để kết bè kéo cánh, xây dựng ảnh hưởng cá nhân trong đảng, kết thành nhóm lợi ích.

Đầu năm 2018, đã có 2 cán bộ cấp tỉnh, cấp bộ ngã ngựa, lần lượt là: Phó chủ tịch tỉnh Thiêm Tây Phùng Tân Trụ và Phó chủ tịch tỉnh Sơn Đông Quý Tương Khởi. Qua đây, CCDI khẳng định Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu sẽ kiên định trị Đảng toàn diện và nghiêm minh, đi sâu thúc đẩy xây dựng tác phong liêm chính của đảng và chống tham nhũng, sẽ "không lơi lỏng, không dừng bước, tiếp tục xuất phát".

Kiên trì chỉnh đốn tác phong, giữ nghiêm kỷ luật

Ngày 27/12/2017, CCDI tiến hành công khai 8 vụ điển hình vi phạm tinh thần 8 quy định của Trung ương. Lãnh đạo CCDI cho hay trong 8 vụ này có 6 vụ xảy ra trong năm 2017 hoặc hành vi vi phạm tiếp diễn đến năm 2017. Điều này cho thấy xây dựng tác phong, sửa chữa "Tứ phong" (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa lãng phí) được Trung Quốc kiên trì.

Từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, trị đảng toàn diện và nghiêm minh được bắt đầu từ lập ra "quy củ" của Bộ Chính trị, mở đầu từ thực hiện tinh thần 8 quy định Trung ương. Trung ương Đảng đứng đầu là ông Tập Cận Bình đi đầu làm gương, tự nỗ lực, không ngừng nghỉ, làm không lơi lỏng, đã hạn chế được tình trạng hưởng lạc, lãng phí, đã làm xoay chuyển được quán tính của tác phong bất chính, tác phong của đảng được đổi mới hoàn toàn, nếp sống xã hội hướng thiện, hiệu quả xây dựng tác phong lớn.

Số liệu cho thấy, từ khi thực hiện 8 quy định Trung ương, tính đến cuối tháng 11/2017, toàn quốc đã xét xử tổng cộng 198.758 vụ vi phạm tinh thần 8 quy định Trung ương, xử lý 270.371 người, xử phạt 150.510 người theo kỷ luật đảng và quy định hành chính.

Ngu Hải Yến, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

Sau khi bế mạc Đại hội XIX không lâu, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đưa ra "Quy định chi tiết quán triệt, thực hiện 8 quy định Trung Quốc của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Gần đây, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình lại đưa ra chỉ thị quan trọng về việc tiếp tục sửa đổi "Tứ phong", tăng cường xây dựng tác phong, nhấn mạnh sửa đổi "Tứ phong" không thể dừng lại, xây dựng tác phong phải được kiên trì lâu dài, đã cho thấy rõ quyết tâm của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc "làm gương, lấy trên dẫn dưới".

Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua yêu cầu phát huy tinh thần làm gương, lấy trên dẫn dắt dưới, kiên trì thực hiện tinh thần 8 quy định Trung ương, kiên trì tuân thủ từng khâu, giải quyết từng vấn đề, nắm bắt cụ thể, khắc phục điểm yếu, ngăn chặn phản kháng, sửa đổi trọng điểm vấn đề chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, kiên quyết chống lại tư tưởng đặc quyền, hiện tượng đặc quyền, làm cho cán bộ đảng viên biết kính sợ, người dân có lòng tin.

Nghiêm trị "tham nhũng vặt"

Môi trường chính trị ở cơ sở đang phát huy chức năng "vạch mặt" trong toàn bộ hệ thống môi trường chính trị. Người dân tiếp xúc thường xuyên với cán bộ ở cơ sở, những "tham nhũng vặt" xảy ra ở xung quanh người dân gây thiệt hại cho lợi ích thiết thân của người dân, làm mất uy tín của nhân dân đối với Đảng.

Ngày 14/12/2017, CCDI công khai 8 vụ điển hình tham nhũng và vi phạm tác phong trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2017 đến nay, CCDI đã 4 lần thông báo 34 vụ tham nhũng và tác phong bất chính xâm phạm lợi ích của quần chúng, trong đó có 25 vụ điển hình, liên quan đến hơn 70 đảng viên và cán bộ lãnh đạo.

Tiến hành "diệt ruồi", trừng trị tham nhũng vặt không chỉ có thể bảo vệ thiết thực cho lợi ích của quần chúng, mà còn có thể làm thay đổi tác phong của cán bộ ở cơ sở và cải thiện môi trường chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân, giữa cán bộ với dân, tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Trung ương Đảng.

Chu Ký Dương, một kẻ đào tẩu ra nước ngoài bị cảnh sát Trung Quốc bắt về nước.

Báo cáo Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương gia tăng mức độ xử lý vấn đề tham nhũng xung quanh quần chúng. Đồng thời, trung tuần tháng 12/2017, Văn phòng CCDI đã đưa ra thông báo, quyết định từ năm 2018 đến năm 2020 liên tục triển khai xử lý tập trung vấn đề tham nhũng và xây dựng tác phong trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tiến hành bảo đảm vững chắc cho người dân nông thôn Trung Quốc thoát nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành vào năm 2020. Trọng điểm triển khai lần này vừa có vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, vừa có vấn đề thực hiện thiếu hiệu quả trách nhiệm liên quan.

Điều đáng chú ý là các vấn đề như chống chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, quyết sách mù quáng, cách làm dối trá, thoát nghèo bằng con số… cũng sẽ trở thành trọng điểm công tác.

Dự kiến, trong 3 năm tới, chống tham nhũng trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo sẽ trở thành nhiệm vụ chống tham nhũng trọng điểm, đặc biệt.

Tiếp tục chiến dịch "lưới trời", truy bắt quan tham ở nước ngoài

Ngày 5/12/2017, trang web Ban Giám sát của CCDI công bố vụ việc bắt giữ và mang về quy án Chu Ký Dương, một quan tham bị truy nã "đỏ" thứ 50. Ngày tiếp theo, Lý Văn Cách cũng quay về nước đầu thú, tiếp tục mở rộng danh sách thành tích truy bắt tội phạm, truy tìm tang vật.

Số liệu cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc tổng cộng bắt về được 1.021 người trốn ra nước ngoài, trong đó có 292 cán bộ đảng viên, số tiền thu được là 903 triệu nhân dân tệ.

Trước đó, ngày 27/4/2017, cơ quan truy bắt tội phạm của Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng hình thức thông cáo, công bố manh mối ẩn náu của 22 kẻ chạy ra nước ngoài phạm tội trong thực hiện chức trách hoặc trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Bắc. Sau đó, cơ quan này cũng công bố tình hình tiến triển công tác trong việc truy bắt 40 người chạy ra nước ngoài vào ngày 10/5/2017.

Từ năm 2017, Trung Quốc tích cực xây dựng kênh hợp tác chống tham nhũng quốc tế trên nhiều cấp độ, mở rộng "vòng tay bè bạn" của hợp tác quốc tế chống tham nhũng, tiếng nói và vai trò ảnh hưởng được tăng cường rõ rệt.

Ngày 13/11, Hội nghị Cấp cao Trung Quốc — ASEAN lần thứ 20 đã ra "Tuyên bố chung Trung Quốc — ASEAN về tăng cường toàn diện và có hiệu quả hợp tác chống tham nhũng". Đây là lần đầu tiên Hội nghị Cấp cao Trung Quốc — ASEAN đưa ra tuyên bố chung trong lĩnh vực chống tham nhũng, đã mở ra chương mới trong hợp tác chống tham nhũng ở khu vực này.

Trung Quốc chủ trương bất kể phần tử tham nhũng chạy đến đâu đều phải truy bắt đem về quy án, thực hiện công lý. Báo cáo Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện rõ quyết tâm kiên quyết trừng trị tham nhũng.

Nhìn lại 5 năm qua, các chiến dịch "truy  nã đỏ", "lưới trời", "săn cáo" có khả năng răn đe rất lớn đối với các phần tử tham nhũng chạy ra nước ngoài, những hành động thực tế này của Trung Quốc đã cho cộng đồng quốc tế thấy được quyết tâm trừng trị tham nhũng của Trung Quốc.

Về cách thức triển khai truy bắt tội phạm, truy tìm tang vật quốc tế, Bành Tân Lâm, thư ký Trung tâm giáo dục và nghiên cứu chống tham nhũng quốc tế, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng: "Cần nỗ lực xây dựng trật tự hợp tác chống tham nhũng quốc tế mới lấy truy bắt tội phạm, truy tìm tang vật làm cơ sở, tích cực tham gia xây dựng các quy tắc quốc tế, tăng cường tiếng nói của Trung Quốc, chẳng hạn chủ động đưa ra các nội dung hợp tác, xây dựng các kênh giao lưu, hợp tác quốc tế".

Bành Tân Lâm cho biết thêm: "Bước tiếp theo, mức độ truy bắt tội phạm ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng, đem thiên la địa võng trừng trị tham nhũng giăng ở trên toàn cầu, đạt được mục đích kép là để cho kẻ chạy trốn không còn chỗ ẩn náu, để cho những kẻ có ý đồ trốn ra nước ngoài không còn ảo tưởng".

Triển khai đợt thanh tra mới

Tối ngày 21/11/2017, trang web của Ban giám sát CCDI công bố "Nguyên phó trưởng ban tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung quốc Lỗ Vĩ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị điều tra". Việc Lỗ Vĩ là "hổ lớn đầu tiên" ngã ngựa sau Đại hội XIX lập tức gây chấn động dư luận. Điều này đã cho thấy hiệu quả của công tác thanh tra mang tính "cơ động", một phương pháp công tác mới nhất trong lĩnh vực thanh tra của Trung ương Trung Quốc.

Phó Trưởng ban tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Lỗ Vĩ ngã ngựa.

Từ Đại hội XVIII đến nay, công tác thanh tra đã có sự phát triển mới, đã tạo được cơ sở quan trọng cho trị Đảng toàn diện và nghiêm minh. Tháng 8/2017, tình hình chỉnh đốn và cải cách thanh tra đợt 12 được công bố toàn bộ, hoạt động thanh tra Trung ương khóa XVIII hoàn thành.

12 đợt thanh tra Trung ương đã tiến hành "kiểm tra chính trị" đối với 277 tổ chức đảng ở địa phương và các đơn vị, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa thanh tra Trung ương bao quát toàn diện trong nhiệm kỳ 1 khóa.

Thông qua thanh tra Trung ương, đảng ủy các tỉnh, khu tự trị, thành phố cũng hoàn thành nhiệm vụ thanh tra toàn diện 8.362 tổ chức đảng địa phương, bộ ngành, đơn vị sự nghiệp.

Trong bối cảnh công tác thanh tra đạt được hiệu quả rõ rệt, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa chế độ thanh tra vào quá trình sửa đổi "Điều lệ công tác thanh tra của Đảng Cộng sản Trung Quốc", đồng thời Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đặt ra mục tiêu thiết lập chế độ thanh tra ở đảng ủy các thành phố, huyện.

Đối với vấn đề này, chủ nhiệm Tống Vĩ, Trung tâm nghiên cứu liêm chính, Đại học Khoa học kỹ thuật Bắc Kinh cho rằng điều này đã thể hiện đầy đủ quyết tâm kiên định thúc đẩy công tác thanh tra của Trung ương Đảng, kiên định gia tăng mức độ xử lý tham nhũng ở xung quanh quần chúng.

Thông qua biện pháp này, thiết lập mạng lưới giám sát thống nhất từ trên xuống dưới trong quá trình thanh tra, phát huy được vai trò chiến lược của công tác thanh tra trong việc "trị cả gốc lẫn ngọn".

Về bước tiếp theo của công tác thanh tra Trung ương, Dương Hiểu Độ, phó bí thư CCDI, trưởng ban giám sát, cục trưởng cục phòng chống tham nhũng quốc gia Trung Quốc đã tiết lộ: "Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, sau khi bế mạc Đại hội XIX, hoạt động thanh tra mới sắp triển khai".

Về trọng điểm thanh tra trong thời gian tới, Nhiệm Kiến Minh, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu và giáo dục liêm chính, Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng sau khi bế mạc Đại hội XIX, triển khai thanh tra mới sẽ ra sức tập trung vào chống chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa hình thức, công tác này hiện còn yếu và khó.

Thí điểm cải cách thể chế giám sát quốc gia

Tháng 12/2017, 7 lãnh đạo của CCDI đã tập trung rời Bắc Kinh đi điều tra nghiên cứu gây chú ý cho dư luận. Hoạt động này nhằm nắm bắt chính xác tinh thần và yêu cầu của Trung ương, bảo đảm cho công tác thí điểm cải cách được triển khai vững chắc, có trật tự.

Đi sâu cải cách thể chế giám sát quốc gia là quyết sách quan trọng do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là ông Tập Cận Bình đưa ra, là cải cách thể chế chính trị quan trọng liên quan đến toàn cục.

Ông Triệu Lạc Tế, tân Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Triệu Lạc Tế lên thay ông Vương Kỳ Sơn sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Căn cứ vào quyết định của Trung ương, ngày 12/2016, triển khai thí điểm ở thành phố Bắc Kinh, tỉnh Sơn Tây, tỉnh Chiết Giang, từ đó tích lũy kinh nghiệm cho thúc đẩy cải cách thể chế giám sát quốc gia trên toàn quốc.

Báo cáo Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương đi sâu cải cách thể chế giám sát quốc gia, thúc đẩy công tác thí điểm trên toàn quốc; xây dựng Luật giám sát quốc gia, xác định chức trách, quyền hạn và các biện pháp điều tra của ủy ban giám sát.

Sau khi kết thúc Đại hội XIX, cuối tháng 10/2017, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành "Về phương án thí điểm thúc đẩy cải cách thể chế giám sát quốc gia ở các địa phương trên cả nước", triển khai thực tế nghiên cứu đi sâu cải cách thể chế giám sát quốc gia trên phạm vi toàn quốc, hoàn thành công tác thành lập ủy ban giám sát 3 cấp (tỉnh, thành phố, huyện), thực hiện giám sát toàn diện đối với công chức thực hiện quyền lực nhà nước.

Ngày 4/11/2017, Hội nghị lần thứ 30 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quyết định về thúc đẩy công tác thí điểm cải cách thể chế giám sát quốc gia ở các địa phương trên toàn quốc.

Ngày 7/11/2017, dự thảo Luật giám sát lần đầu tiên công bố và đưa ra trưng cầu ý kiến của xã hội. Dự thảo đã quy định một loạt vấn đề quan trọng của công tác giám sát quốc gia, bao gồm làm rõ Ủy ban giám sát quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là cơ quan giám sát quốc gia cao nhất, do Quốc hội thành lập và phụ trách, sẽ tiến hành giám sát đối với 6 loại công chức và làm rõ 12 biện pháp triển khai của ủy ban giám sát.

Cùng với sự thay đổi nhân sự của hội đồng nhân dân các địa phương vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, ủy ban giám sát 3 cấp (tỉnh, thành phố, huyện" ở các địa phương Trung Quốc sẽ lần lượt được thành lập. Theo kế hoạch, kỳ họp "Lưỡng hội" của Trung Quốc vào tháng 3/2018 sẽ thông qua Luật giám sát quốc gia và thành lập Ủy ban giám sát quốc gia.

Nguồn: viettimes

Thảo luận