Vụ Đinh La Thăng: PVN có thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) khẳng định, kết luận 41 của Bộ Chính trị không đề cập đến việc cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định thầu. Chính phủ cũng không có văn bản đồng ý cho Tổng công ty xây lắp dầu Việt Nam (PVC) làm tổng thầu...
Sputnik

Thủ tướng đồng ý cho PVN lựa chọn nhà thầu đủ năng lực

Ông Đinh La Thăng khẳng định đã xin phép Thủ tướng cho phép PVC làm tổng thầu

Sáng nay 15/1, phiên toà xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội. Theo đó, đại diện VKS bác gần như toàn bộ quan điểm của luật sư bào chữa cũng như của các bị cáo liên quan đến hai tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

Đại diện VKS nêu vấn đề PVN chỉ định Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu có đúng căn cứ hay không! Vị đại diện này dẫn lời khai của bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc chỉ định thầu xuất phát từ kết luận 41 của Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng tập đoàn PVN, rằng thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam… Tuy nhiên, VKS cho rằng, kết luận 41 không đề cập gì cụ thể cho PVN chỉ định PVC làm tổng thầu, và không đề cập việc chỉ định thầu.

Bộ Chính trị Việt Nam từng chỉ đạo chỉ định thầu nhà máy nhiệt điện nghìn tỷ?
Chính phủ có công văn trả lời PVN (do ông Thăng ký đề xuất cho PVC làm tổng thầu) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu đủ kinh nghiệm và năng lực.

"Như vậy, có cơ sở khẳng định Chính phủ không có văn bản nào đồng ý cho PVN chọn PVC làm tổng thầu. Qua đó, có thể đặt ra câu hỏi rằng, vậy PVN có thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng hay không" — đại diện VKS đặt vấn đề.

Liên quan đến năng lực thực hiện dự án của PVC, đại diện VKS nhấn mạnh phải đánh giá tổng thể chung chứ không chỉ thể hiện ở chỉ tiêu và lợi nhuận để nói PVC có đủ năng lực. Dẫn các báo cáo tài chính và công nợ của PVC và PVN, đại diện VKS chứng minh PVC thời điểm đó khó khăn, không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Nói về kinh nghiệm của tổng công ty này, VKS dẫn chứng PVC chỉ mới tham gia một số dự án (như nhiệt điện Vũng Áng) nhưng qua hồ sơ thi công cho thấy chỉ ở một số khâu và giá trị các hợp đồng trong hồ sơ đề xuất thấp hơn nhiều theo quy định.

Cũng theo đại diện VKS, tại toà, chính bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng cho rằng thời điểm đó PVC không đủ năng lực mà chỉ có Lilama đủ năng lực mà thôi. Việc không có năng lực làm tổng thầu dẫn đến hệ luỵ dự án thi công kéo dài gấp đôi về mặt thời gian, PVC chịu chi phí phát sinh hơn 155 tỷ đồng/năm. "Từ căn cứ trên có cho thấy chủ trương chỉ định thầu với PVC có là ưu tiên dùng hàng Việt? Rõ ràng là không" — VKS nêu quan điểm.

Ký hợp đồng để "phù phép" chuyển tiền cho PVC

Bản hợp đồng “định mệnh” hại đời ông Đinh La Thăng
Đại diện VKS cũng đặt vấn đề: Các bị cáo có biết hay thiếu trách nhiệm nên để hợp đồng 33 (về việc:

"Thiết kế, chế tạo kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói, vận chuyển… lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu EPC xây dựng Nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2.) và hợp đồng 4194 thiếu cơ sở pháp lý và dẫn đến việc tạm ứng tiền trái quy định? Dẫn nhiều quyết định của PVN như "điểm mấu chốt" là khi ông Đinh La Thăng có ý kiến thì chỉ 4 ngày sau PVC và PVPower ký hợp đồng khi còn thiếu một loạt hồ sơ theo yêu cầu, đại diện VKS cho rằng thậm chí nhiều nội dung có trong hợp đồng nhưng lại "khống tài liệu".

Tiếp đó, theo sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, ngày 23/11, Nguyễn Quốc Khánh cùng với PVC ký hợp đồng 4194 mà thực chất chỉ là hợp đồng "phù phép" cho PVC sử dụng tiền. Với việc ký hợp đồng 33 và tạm ứng tiền trái quy định, cho thấy thực chất ký kết hợp đồng không phải để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mà chỉ hợp thức chuyển tiền cho PVC.

Về xác định khoản thiệt hại, VKS cho biết theo cáo trạng kết luận và bị cáo thừa nhận trước toà là tạm ứng không đúng và sử dụng sai mục đích là trái quy định pháp luật. Số tiền thiệt hại 119 tỷ đồng là có căn cứ, thậm chí thấp hơn mức tính toán nếu xác định đúng thực tế, và việc xác định như cáo buộc là theo hướng có lợi cho bị cáo. Còn quan điểm cho rằng việc tạm ứng không xảy ra thiệt hại, hoặc thiệt hại không đáng kể là không có cơ sở.

Lợi ích nhóm?

Cú "sa bút" của ông Đinh La Thăng ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Đại diện VKS cho rằng, xét mối quan hệ cho thấy Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều do ông Đinh La Thăng quyết định trong việc đưa về bổ nhiệm, cất nhắc. Trên cơ sở quan hệ đó, mặc dù biết rõ PVC khó khăn tài chính, không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, Đinh La Thăng vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ở PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền trái pháp luật để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.

"Qua đó thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án" — đại diện VSK nêu quan điểm.

Về một số quan điểm của luật sư không đồng tình với nhận định trong bản luận tội đánh giá bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, đại diện VKS nhấn mạnh cần tách bạch 2 vấn đề là quyền của bị cáo theo luật và phần đánh giá về thái độ, hành vi của bị cáo của cơ quan luận tội.

"Mặc dù đủ cơ sở truy tố các bị cáo hai tội nhưng các bị cáo đều phủ nhận, chỉ chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra giám soát. Do đó, VKS không cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Bởi, tình tiết giảm nhẹ chỉ được hưởng khi bị cáo thành khẩn khai báo và ăn năn hối lỗi. Kiểm sát viên tại toà cũng đã thể hiện quan điểm, còn việc chấp nhận hay không là thuộc về HĐXX", vị đại diện VKS nói.

Phiên toà tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát.

Theo: Dân Trí

Thảo luận