Bị cáo Đinh La Thăng khóc mong muốn không phải làm 'ma tù'
Ngày 13/1, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục phần tranh luận.
Sau khi kết thúc phần bào chữa của các luật sư, các bị cáo được lần lượt trình bày quan điểm cá nhân. Người đầu tiên là bị cáo Đinh La Thăng, phần bào chữa dài gần 1 tiếng đồng hồ khiến nhiều thời điểm nguyên Chủ tịch PVN nghẹn ngào.
Bị cáo Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tố tụng vì đã đẩy tiến độ xử lý vụ án một cách nhanh nhất, đồng thời cảm ơn TAND TP Hà Nội đã có một phiên tòa dân chủ, công khai, đổi mới theo tinh thần của của Hiến pháp 2013 và tinh thần Bộ luật hình sự 2015. Cảm ơn các luật sư, trong đó có 3 luật sư luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng.
Ông Thăng cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân. Cảm ơn nhân dân, những người đã động viên, tin tưởng.
Cảm ơn các cơ quan truyền thông đưa tin về phiên tòa một cách trung thực để làm sao hiểu đúng bản chất vụ án, hành vi của các bị cáo để lên án sai phạm nhưng cũng cảm thông cho các bị cáo. Cái này rất quan trọng vì không chỉ bị cáo mà còn gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè cũng biết.
Đặc biệt bị cáo hết sức cảm ơn gia đình, trong lúc khó khăn nhất gia đình luôn ở bên cạnh. Bị cáo nhìn thấy chữ viết, chữ ký của vợ bị cáo.
Bị cáo có 2 người cùng phòng, một ông sinh năm 1952, một ông sinh năm 1977. Một ông bị truy tố tội ma túy mà theo anh ấy nói thì chắc chắc sẽ bị mức án cao nhất. Một ông bị tội cưỡng đoạt tài sản. Rất may, các anh ấy hết sức tạo điều kiện, phòng giam mấy mét, lạnh thế này không đủ chỗ nằm. Họ nhường chỗ cho bị cáo nằm, 1 anh phải xuống nằm ở lối đi.
Về bản thân, ông Đinh La Thăng đề nghị HĐXX xem xét có mức án phù hợp, nhân văn vì lẽ ra, trong cùng 1 thời điểm, cùng bị truy tố 1 tội danh giờ tách thành 2 vụ án thì bất lợi cho bị cáo.
"Việc xử lý để tạo cơ hội cho cán bộ sửa chữa. Bản thân gia đình bị cáo, bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. Khả năng, khi bố bị cáo mất, bị cáo khó có điều kiện gặp bố, cũng như chăm sóc gia đình và chăm sóc con gái. Nếu bị xử 2 vụ, bị cáo không biết có còn sống không để ra tù. Bị cáo chỉ mong muốn HĐXX xem xét để tạo điều kiện cho bị cáo chấp hành hình phạt.
Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù." — ông Thăng trình bày.
Kết lại phần tự bào chữa ông Đinh La Thăng cảm ơn các thẩm phán và HĐXX. "Bị cáo tin rằng HĐXX sẽ có hướng xử lý phiên tòa công tâm khách quan theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Xin 1 lần nữa, các cơ quan truyền thông đưa tin trung thực khách quan và nhân văn về vụ án này. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân và các thế hệ người lao động dầu khí vì sai phạm của mình.".
Bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC) đã có một câu hỏi ám ảnh với Trịnh Xuân Thanh: "hỏi anh, vì ai mà bao nhiêu người dính vòng lao lý?". Câu hỏi ấy đúng nhưng chưa đủ. Lẽ ra Lương Văn Hòa phải hỏi thêm chính mình:
Tại sao lại mình biết chỉ đạo của thượng cấp sai trái mà mình vẫn làm?
Nếu mỗi người chúng ta ai cũng biết hỏi và trả lời thấu đáo những câu hỏi dưới đây, thì chắc ít người phải rồng rắn dẫn nhau đến trước mặt thẩm phán.
Lãnh đạo và đệ tử?
Một nhà báo đã có phát hiện rất hay: Muốn biết lãnh đạo thế nào, hãy nhìn vào đệ tử của anh ta.
Làm sao có thể là lãnh đạo tốt nếu như dưới trướng anh ta, các đệ tử béo mẫm, lũng đoạn hệ thống?
Ai cũng cần một ê kíp phối hợp nhịp nhàng để làm việc. Nhưng nếu biến cộng sự, đồng chí thành đệ tử, điếu đóm, thì rất dễ xuất hiện lợi ích nhóm.
"Ông mất chân giò, bà thò chai rượu": Chú hầu hạ anh thì chú phải được gì? Được thăng tiến, được tiền tài. Anh ban ơn chú thì anh được gì? Được cung phụng, được tiền tài.
Thanh nhắc đi nhắc lại chuyện mình coi Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) như "ruột thịt", "người em trong gia đình", mong rằng Minh sẽ không cáo buộc mình chỉ đạo lập quỹ trái phép.
Dù thừa nhận mình "có tình cảm sâu nặng với hai bác và anh Thanh" nhưng Minh kiên quyết khai Thanh có chỉ đạo. Minh còn bức xúc đề nghị tòa không cho Thanh nhắc đi nhắc lại chuyện tình cảm riêng tư vì tội ai người đấy chịu.
Các bị cáo đều khai rằng, khi còn đương chức, nhiều người làm sai chỉ vì "sức ép từ cấp trên rất khủng khiếp".
Ở những giao dịch không vụ lợi, người ta cho ai vay vài triệu đã phải ký giấy biên nhận. Thế mà các bị cáo khai rằng mình dễ dàng chuyển tới 4 tỉ đồng cho lái xe anh Thanh, chỉ vì nghe một lời chỉ đạo miệng từ thượng cấp, không giấy tờ, quyết định.
Chỉ đến khi, đứng trước pháp luật, sự "ruột thịt" trong các mối quan hệ đại ca — đệ tử mới trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Muốn đời bình an vô sự thì chọn cộng sự hay chọn đệ tử? Chọn lãnh đạo hay chọn đại ca? Câu hỏi này chắc ai cũng biết cách trả lời.
Gia đình và quyền lực?
Trên mạng xã hội đang lan truyền những "câu chuyện lay động" về gia đình của các bị cáo.
Câu chuyện ấy đưa ra các chi tiết về sự hy sinh tình cảm gia đình, để toàn tâm toàn ý lo việc nhà nước. Cha không chăm sóc được con, con không chăm sóc được bố chỉ vì ham việc nước.
Tôi không biết thực hư câu chuyện ấy thế nào nhưng tôi không nghi ngờ tình cảm gia đình của những người đó. Tuy nhiên, câu chuyện ấy, có thể cảnh tỉnh nhiều người về thái độ sống đúng.
Sau khi về hưu, trung tướng Hữu Ước, nguyên Phó tổng cục trưởng Xây dựng lực lượng, Bộ CA, đã có những sám hối rất đau đớn. Khi người vợ ông đột ngột mất đi, ông mới cay đắng thốt lên:
"Tôi mải chạy theo quyền lực, chạy theo đam mê mà không dành đủ thời gian quý báu ấy để chăm sóc bà ấy.
Lúc vợ tôi qua đời, tôi mới nhận ra tôi không hề biết bà ấy thích ăn gì, mặc gì, tôi không nhớ được sinh nhật của bà ấy, cũng không lãng mạn để biết mua hoa, mua quà cho vợ.
Và nếu có điều gì khiến tôi ân hận nhất, là tôi chưa từng cùng vợ mình có một chuyến du lịch tử tế và trọn vẹn".
Khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà, con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khẳng định không hề có toan tính chính trị. Ông ra Hà Nội chỉ là để sống gần bố mẹ những ngày cuối đời.
Ngay sau khi những thông điệp nghẹn ngào của phiên tòa được lan tỏa, một GS tâm lý đã nói với tôi rằng: "Khi người ta coi gia đình là điều thiêng liêng nhất, có thể những tham vọng quyền lực sẽ giảm đi.
Bởi người nào biết quý từng khoảnh khắc bên gia đình, họ sẽ bớt tụ tập đệ tử, bớt sống phù phiếm, bớt ưa tâng bốc nịnh nọt, bớt chạy theo hư danh".
Cơ chế và sự lựa chọn tự thân?
Khi ở chỗ này, chỗ khác có một vài người nhúng chàm, thì người ta sẽ chủ yếu nhìn vào đạo đức, phẩm chất cá nhân.
Nhưng khi rất nhiều người nhúng chàm cùng chung một kiểu kịch bản "tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ"; khi có rất nhiều tập đoàn lớn thua lỗ thất thoát nhiều ngàn tỉ… thì chắc chắn có lỗ hổng cơ chế.
Lỗ hổng ấy đã được ông Đinh La Thăng đề cập khi phải kiểm điểm trước UBKTTƯ bằng hai chữ "giá như": "Giá như các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề như vậy".
Những lỗ hổng cơ chế như "đúng quy trình", cả họ làm quan, kỷ luật ngược, đã được nhìn ra và đang vá lại, nhưng còn lỗ hổng tự thân thì sao?
Trong một cộng đồng dù vô nhân tính đến đâu, cũng còn nhiều người tốt. Trên một ngã tư, có nhiều kẻ vượt đèn đỏ đến đâu, cũng có những người dừng lại, nhẫn nại, bình thản chờ đèn xanh mới đi.
Trong một guồng máy nhũng nhiễu đến đâu, cũng có những người tử tế bằng cách biết giới hạn lòng tham của mình hoặc lựa chọn rời xa guồng máy đó.
Vẫn biết tham vọng quyền lực, kim tiền, danh tiếng là thứ rất khó tự thân mình kìm chế, nhưng trong một cơ chế có nhiều chỗ chưa chưa hoàn thiện thế này, không có nguyên tắc sống đúng, thì rất dễ bị "lũ quét cám dỗ" san phẳng.
Mà đau đớn nhất là khi đã bị "san phẳng" rồi, thì chuyện muốn làm người tự do, ma tự do hay ma tù tội, bản thân mình cũng không tự quyết được.
Theo: Dân Trí, Báo Mới Trí Thức Trẻ