Bệnh về máu và ung thư là những căn bệnh nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới mà cứ 100 ngàn trẻ em sẽ có 13-15 trẻ em mắc bệnh. Vào những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, đội ngũ bác sĩ Nga đã cứu được không quá 10% bệnh nhân trẻ em. Hiện nay, số lượng bệnh nhân nhi được phục hồi sức khỏe lên đến 80%. Riêng về bệnh ung thư máu, một trong những căn bệnh hiểm nghèo nhất như bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính, hiện giờ có thể cứu sống 90-95% bệnh nhân.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, một trong những cán bộ lãnh đạo của Trung tâm nghiên cứu, ông Kirill Kirgizov giải thích:
"Trong hơn ba thập kỷ qua, không xuất hiện thêm loại thuốc mới cơ bản để chống lại căn bệnh này. Thành công chủ yếu nhờ vào sự phát triển các tiêu chuẩn điều trị mới. Đây là một quy trình điều trị sửa đổi dựa trên cơ sở tiến hành chữa trị bằng thuốc cho bệnh nhân có tính đến liều lượng và tính tương thích riêng đối với từng cá nhân. Đó là sự cải thiện điều trị kèm với thuốc bổ sung hóa trị liệu, nếu không có nó thì quá trình hóa trị liệu có thể gây hại nhiều cho bệnh nhân hơn chính bản thân bệnh. Đây cũng là tính kịp thời và chính xác của việc chẩn đoán bệnh: hiện giờ thông tin về mỗi bệnh nhân trẻ em trong bất kỳ khu vực nào của Nga đều tập trung về trung tâm của chúng tôi để phân tích và chỉ định điều trị".
Để chuyển giao những công trình phát triển khoa học mới và các tiêu chuẩn kỹ thuật điều trị trong thực tế chăm sóc sức khỏe, tại Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia mang tên Dima Rogachev đã thành lập Viện chuyển giao công nghệ y tế, Phó Giám đốc phụ trách cơ quan là Kyrill Kirgizov. Viện được thành lập vào ngày 01 tháng 11 năm 2017, và sự kiện quốc tế đầu tiên là chuyến công tác của các nhà lãnh đạo Viện đến thành phố Hồ Chí Minh.
"Chúng tôi hài lòng ghi nhận rằng ở Việt Nam, bất chấp những khó khăn về nguồn chi tài chính của nhà nước đối với việc điều trị trẻ em mắc bệnh ung thư, thiếu phòng khám chuyên ngành và tình trạng quá tải phòng bệnh, bệnh ung thư ở trẻ em được điều trị khá thành công. Và do đó, chúng ta có đầy đủ mọi cơ sở để cùng hợp lực. Chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ hợp tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, dự kiến sẽ thành lập nhóm công tác gồm các nhà nghiên cứu ung thư và chuyên gia về huyết học của trung tâm chúng tôi và thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao các tiêu chuẩn điều trị ung thư cho đồng nghiệp Việt Nam. Với cách làm việc theo các quy trình tiêu chuẩn này, có thể đạt được kết quả tương tự như những kết quả đạt được của các bác sĩ ở phương Tây nhưng với chi phí thấp hơn nhiều. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, nơi mà nhà nước chỉ phân bổ được một nửa chi phí để điều trị bệnh nhân ung thư ", Kirill Kirgizov nói với Sputnik.
Theo ông, công việc điều trị với các tiêu chuẩn và công nghệ mới đòi hỏi một cấp độ mới về trình độ của cán bộ y tế, vì vậy vào tháng Ba năm nay, Trung tâm Dima Rogachev sẽ chờ đón 2 chuyên gia ung thư trẻ em từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thực tập. Một số đồng nghiệp của họ sẽ đến St Petersburg vào tháng Tư, tham dự hội nghị của các nhà huyết học nhi khoa toàn Nga. Và đại diện của Trung tâm sẽ tham dự diễn đàn về chuyển giao trao đổi công nghệ y tế, dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa hè này tại Việt Nam.
Kirill Kirgizov tin tưởng rằng trong công tác điều trị bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em, sẽ đạt được thành công khi đoàn kết hợp lực.
Tiến sĩ Huỳnh Kim Hiếu, người phụ trách bộ phận dự án quốc tế của Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn tán đồng ý kiến của đồng nghiệp Nga:
"Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga đang phát triển đều đặn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam, vẫn chưa đủ mạnh. Tuy nhiên với việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Nga mang tên Dima Rogachev, tình hình này đã được điều chỉnh. Trung tâm Nga và Đại học Y dược của chúng tôi cùng nhau mở ra hướng mới trong điều trị bệnh nhân ung thư ở Việt Nam. Bản ghi nhớ cũng dự kiến đến các chuyến đi của các chuyên gia ung thư của hai nước để tham dự hội thảo khoa học và hội nghị chuyên đề của nhau và các đợt công tác của bác sĩ Việt Nam ở trung tâm Nga để nâng cao trình độ kỹ năng của mình, học hỏi những tiêu chuẩn điều trị mới của Nga và sau đó triển khai chúng vào thực tế của các bệnh viện ở Việt Nam. Tất cả điều này — mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng rất quan trọng trên con đường hợp tác, được hứa hẹn sẽ có triển vọng và dài hạn", — ông Tiến sĩ Huỳnh Kim Hiếu nói.